Xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường
- Khoản 2 và Khoản 3, Điều 1, Nghị Định 117/2009/NĐ-CP, ngày 31-12-2009 của Chính phủ quy định: Vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là những hành vi vi phạm các quy định quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường do cá nhân, tổ chức thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý mà không phải là tội phạm và theo quy định tại Nghị định này phải bị xử phạt vi phạm hành chính.
Vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, bao gồm: a) Các hành vi vi phạm các quy định về lập, thực hiện cam kết bảo vệ môi trường, báo cáo đánh giá tác động môi trường, báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung (sau đây gọi chung là báo cáo đánh giá tác động môi trường), đề án bảo vệ môi trường; b) Các hành vi gây ô nhiễm môi trường; c) Các hành vi vi phạm các quy định về quản lý chất thải; d) Các hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện giao thông vận tải, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, phế liệu; đ) Các hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường hoạt động du lịch, bảo tồn và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên; e) Các hành vi vi phạm các quy định về thực hiện phòng, chống, khắc phục ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường và các hành vi vi phạm các quy định khác về bảo vệ môi trường. Các hành vi vi phạm hành chính khác trong lĩnh vực bảo vệ môi trường không trực tiếp quy định trong Nghị định này thì áp dụng theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong các nghị định khác có liên quan.
Điều 2, Nghị định 117/2009/ NĐ-CP quy định về đối tượng bị xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường:
1. Đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính: a) Cá nhân, tổ chức trong nước và cá nhân, tổ chức nước ngoài (sau đây gọi chung là cá nhân, tổ chức) có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trên lãnh thổ Việt Nam đều bị xử phạt theo các quy định tại Nghị định này hoặc các Nghị định có liên quan. Trong trường hợp Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác thì áp dụng theo quy định của Điều ước quốc tế đó. b) Cá nhân là người chưa thành niên có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thì bị xử phạt theo quy định tại Điều 7, Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính. 2. Cơ sở gây ô nhiễm môi trường, cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng bị áp dụng hình thức xử lý tạm thời đình chỉ hoạt động, buộc di dời, cấm hoạt động theo quy định tại Chương III của Nghị định này. 3. Cán bộ, công chức khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ mà có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường thì không bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Nghị định này mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.
Thư Viện Pháp Luật