Muốn chấm dứt việc nhận con nuôi
Theo quy định tại Điều 77 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 thì cha, mẹ nuôi có quyền chấm dứt việc nuôi con nuôi. Việc chấm dứt nuôi con nuôi chỉ được thực hiện trong các trường hợp sau: - Cha mẹ nuôi và con nuôi đã thành niên tự nguyện chấm dứt quan hệ nuôi con nuôi; - Con nuôi bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của cha, mẹ nuôi; ngược đãi, hành hạ cha, mẹ nuôi hoặc có hành vi phá tán tài sản của cha, mẹ nuôi... Theo quy định nói trên, nếu vợ chồng anh và người con nuôi đã thành niên cùng tự nguyện chấm dứt quan hệ nuôi con nuôi thì sẽ được giải quyết theo quy định của pháp luật. Về thủ tục chấm dứt nuôi con nuôi: Theo quy định tại khoản 1 Điều 77 Luật Hôn nhân và gia đình thì “Con nuôi đã thành niên, cha, mẹ đẻ, người giám hộ của con nuôi, cha, mẹ nuôi theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự có quyền tự mình yêu cầu Tòa án hoặc đề nghị Viện kiểm sát yêu cầu Tòa án ra quyết định chấm dứt việc nuôi con nuôi”. Do vậy, để chấm dứt quan hệ nuôi con nuôi, vợ chồng anh cần gửi đơn yêu cầu gửi đến Tòa án cấp quận, huyện (nơi người con nuôi đã thành niên đang cư trú) để đề nghị giải quyết. Về việc ủy quyền cho người khác chấm dứt việc nuôi con nuôi: Theo quy định tại khoản 3 Điều 73 Bộ luật tố tụng dân sự thì chỉ “đối với việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng”. Do vậy, trong trường hợp không tự mình tham gia tố tụng được, vợ chồng anh có thể ủy quyền cho người khác tham gia việc giải quyết yêu cầu Tòa án ra quyết định chấm dứt việc nuôi con nuôi.
Thư Viện Pháp Luật