Quyền và nghĩa vụ tố giác tội phạm
Tố giác tội phạm là việc một người trình báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc phát hiện một người (hoặc một nhóm người) đang, đã hoặc chuẩn bị thực hiện hành vi vi phạm pháp luật hình sự. Theo quy định tại Điều 25 Bộ luật tố tụng hình sự, các tổ chức, công dân có quyền và nghĩa vụ phát hiện, tố giác hành vi phạm tội. Người nào che giấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm tùy vào mức độ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Do đó bạn có quyền tố giác tội phạm với cơ quan nhà nước có thẩm quyền ngay cả khi tội phạm đó đã xảy ra từ lâu. Tuy nhiên, pháp luật hình sự cũng có quy định về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây là thời hạn do Bộ luật hình sự quy định mà khi hết thời hạn đó, người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nữa. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau: 5 năm đối với các tội phạm ít nghiêm trọng; 10 năm đối với các tội phạm nghiêm trọng; 15 năm đối với các tội phạm rất nghiêm trọng và 20 năm đối với các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Vì vậy, nếu tội phạm được thực hiện đã từ rất lâu, hết thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự thì người phạm tội có thể không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Bộ luật Hình sự Việt Nam không có quy định giới hạn về độ tuổi công dân được thực hiện việc tố giác tội phạm. Nhà nước khuyến khích mọi người thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Trường hợp người chưa thành niên phát hiện ra hành vi vi phạm pháp luật cần báo ngay cho cha mẹ, thầy cô giáo hoặc những người lớn tuổi để những người này giúp đỡ trong việc tố giác tội phạm trước cơ quan có thẩm quyền.
Thư Viện Pháp Luật