Tạo website để bán hàng có cần đăng ký kinh doanh?
Để thực hiện kinh doanh đúng luật, bán hàng online cũng như các hoạt động kinh doanh khác, trước hết chủ thể kinh doanh cần phải xem xét mô hình kinh doanh của mình có bắt buộc đăng ký hay không . Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 39/2007/NĐ-CP quy định về các trường hợp hoạt động thương mại một cách độc lập thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh như sau:
“Cá nhân hoạt động thương mại là cá nhân tự mình hàng ngày thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các hoạt động được pháp luật cho phép về mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác nhưng không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh và không gọi là “thương nhân” theo quy định của Luật Thương mại. Cụ thể bao gồm những cá nhân thực hiện các hoạt động thương mại sau đây:
a) Buôn bán rong (buôn bán dạo) là các hoạt động mua, bán không có địa điểm cố định (mua rong, bán rong hoặc vừa mua rong vừa bán rong), bao gồm cả việc nhận sách báo, tạp chí, văn hóa phẩm của các thương nhân được phép kinh doanh các sản phẩm này theo quy định của pháp luật để bán rong;
b) Buôn bán vặt là hoạt động mua bán những vật dụng nhỏ lẻ có hoặc không có địa điểm cố định;
c) Bán quà vặt là hoạt động bán quà bánh, đồ ăn, nước uống (hàng nước) có hoặc không có địa điểm cố định;
d) Buôn chuyến là hoạt động mua hàng hóa từ nơi khác về theo từng chuyến để bán cho người mua buôn hoặc người bán lẻ;
đ) Thực hiện các dịch vụ: đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định;
e) Các hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh khác.”
Như vậy, chủ thể thực hiện bán hàng online không thuộc trường hợp trên thì cần phải đăng ký kinh doanh với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Nếu đã đảm bảo điều kiện về đăng ký kinh doanh, chủ thể kinh doanh có thể tiến hành hoạt động bán hàng online thông qua thiết lập website bán hàng. Điều kiện để thiết lập website thương mại điện tử bán hàng là phải có website với tên miền hợp lệ và tuân thủ các quy định về quản lý thông tin trên Internet; phải thông báo với Bộ Công Thương về việc thiết lập website thương mại điện tử bán hàng căn cứ tại Điều 27 Nghị định 52/2013/NĐ-CP quy định về trách nhiệm của thương nhân, tổ chức, cá nhân sở hữu website thương mại điện tử bán hàng:
1. Thông báo với Bộ Công Thương về việc thiết lập website thương mại điện tử bán hàng theo quy định tại Mục 1 Chương IV Nghị định này.
2. Thực hiện đầy đủ việc cung cấp thông tin trên website theo các quy định tại Mục này và chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ của thông tin.
3. Tuân thủ các quy định về bảo vệ thông tin cá nhân của khách hàng quy định tại Mục 1 Chương V Nghị định này.
4. Thực hiện các quy định, tại Mục 2 Chương II Nghị định này nếu website có chức năng đặt hàng trực tuyến.
5. Thực hiện các quy định tại Mục 2 Chương V Nghị định này nếu website có chức năng thanh toán trực tuyến.
6. Cung cấp thông tin về tình hình kinh doanh của mình khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ hoạt động thống kê thương mại điện tử, hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong thương mại điện tử.
7. Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật.
Về kê khai và nộp thuế đối với hoạt động kinh doanh: Cá nhân, tổ chức khi thực hiện kinh doanh online phải chấp hành quy định pháp luật và kê khai vào nộp thuế GTGT,Thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế Thu nhập cá nhân và thuế môn bài.
Thư Viện Pháp Luật