Doanh nghiệp nước ngoài muốn vào Việt Nam, lập công ty hay chi nhánh?
Về yêu cầu thành lập chi nhánh hoặc công ty liên doanh chúng tôi xin giải đáp đối với bạn như sau.
Điều kiện, trình tự thủ tục để được cấp giấy phép thành lập chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam được quy định tại nghị định số 07/2016/NĐ-CP ngày 25 tháng 1 năm 2016, theo đó thương nhân nước ngoài được cấp Giấy phép thành lập Chi nhánh khi đáp ứng các điều kiện sau:
Thương nhân nước ngoài được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc được pháp luật các quốc gia, vùng lãnh thổ này công nhận;
Thương nhân nước ngoài đã hoạt động ít nhất 05 năm, kể từ ngày được thành lập hoặc đăng ký;
Trong trường hợp Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài có quy định thời hạn hoạt động thì thời hạn đó phải còn ít nhất là 01 năm tính từ ngày nộp hồ sơ;
Nội dung hoạt động của Chi nhánh phải phù hợp với cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và phù hợp với ngành nghề kinh doanh của thương nhân nước ngoài;
Trường hợp nội dung hoạt động của Chi nhánh không phù hợp với cam kết của Việt Nam hoặc thương nhân nước ngoài không thuộc quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, việc thành lập Chi nhánh phải được sự chấp thuận của Bộ trưởng Bộ quản lý chuyên ngành.
Bởi công ty Fresh ThaiLan mới thành lập được 3 năm nên không đáp ứng điều kiện đã hoạt động ít nhất 05 năm, kể từ ngày được thành lập hoặc đăng ký trong điều kiện thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện của pháp nhân nước ngoài ở Việt Nam. Mặt khác việc thành lập chi nhánh thì việc góp vốn sẽ được thực hiện tại công ty mẹ chứ không được ghi nhận vào giấy chứng nhận thành lập của chi nhánh tại Việt Nam.
Bởi vậy chúng tôi kiến nghị bạn và các đối tác kinh doanh nên thành lập một công ty độc lập với 80% vốn nước ngoài. Việc thành lập một công ty độc lập có thể thuận tiện hơn trong việc ghi nhận phần vốn góp của ba bên vào giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, mặc dù điều này sẽ gây khó khăn trong việc thực hiện mục đích thanh toán như yêu cầu thứ 2 của bạn. Ngành nghề và lĩnh vực kinh doanh của bạn không bị hạn chế số vốn góp mà tùy theo khả năng thực tế để đăng ký. Bởi việc sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài không hạn chế, trừ một số lĩnh vực đặc thù như ngân hàng, chứng khoán, doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa (khoản 3 Điều 22 Luật đầu tư 2014).
Về yêu cầu thứ 2 của bạn, việc thực hiện thanh toán chi phí thông qua một công ty khác tại Đức để giảm bớt gánh nặng về thuế cho công ty dự định thành lập tại Việt Nam. Không rõ bạn muốn giảm bớt gánh nặng đối với sắc thuế nào, tuy nhiên nếu là thuế nhập khẩu thì theo khoản 1 điều 1 nghị định 87/2010/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu: “Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam bao gồm: hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua cửa khẩu đường bộ, đường sông, cảng biển, cảng hàng không, đường sắt liên vận quốc tế, bưu điện quốc tế và địa điểm làm thủ tục hải quan khác được thành lập theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.” là đối tượng chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Như vậy dù có tiến hành việc thành toán thay tiền hàng thì hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam vẫn phải chịu thuế nhập khẩu theo quy định của pháp luật Việt Nam. Việc thanh toán qua trung gian sẽ được thể hiện trong hợp đồng, điều này không trái quy định tuy nhiên phải được thể hiện trong hóa đơn và hồ sơ sổ sách kế toán của công ty bạn, bởi vậy để tránh các khoản thuế dưới hình thức này là điều không thực hiện được đối với pháp luật Việt Nam.
Thư Viện Pháp Luật