Ủy quyền vay ngân hàng không công chứng có giá trị không?
Trước tiên về tính pháp lý của văn bản ủy quyền, theo khoản 2 điều 142 Bộ luật dân sự (BLDS), việc ủy quyền không bắt buộc phải được lập thành văn bản trừ trường hợp pháp luật có quy định.
Giao dịch thế chấp bất động sản này được thực hiện vào năm 2010. Do đó, việc lập văn bản ủy quyền trong trường hợp này được điều bởi quy định tại điều 48 nghị định 75/2000/NĐ-CP về công chứng, chứng thực như sau: việc Uỷ quyền có thù lao, có nghĩa vụ bồi thường của bên được uỷ quyền hoặc để chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng bất động sản phải được lập thành hợp đồng. Việc uỷ quyền không thuộc trường hợp nói trên không phải lập thành hợp đồng Uỷ quyền mà có thể được lập thành giấy Uỷ quyền. Theo đó, việc ủy quyền giữa anh em bạn và mẹ của bạn phải được lập thành văn bản là giấy ủy quyền và phải có công chứng hoặc chứng thực chữ ký. Giấy ủy quyền mà anh em bạn đã ký không có công chứng, chứng thực thì không được xem là hợp lệ.
Mặt khác về tài sản thế chấp, theo như bạn đã trình bày thì bố bạn mất không có di chúc. Cho nên phần di sản thừa kế của bố bạn để lại trong khối tài sản chung của bố mẹ bạn – 50% giá trị của bất động sản là nhà đất nói trên sẽ được chia theo pháp luật cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất bao gồm mẹ bạn, ba anh em bạn và cả ông bà nội của bạn (nếu ông bà còn sống). Ở đây do bạn không đề cập đến ông bà nội còn sống hay đã mất nên để vấn đề dễ hiểu hơn, LGP xin đưa ra giả thuyết ông bà từ chối nhận di sản thừa kế tại thời điểm khai nhận di sản thừa kế nên những người thừa kế còn lại chỉ bao gồm bốn mẹ con bạn.
Căn cứ theo các quy định của Bộ luật dân sự, luật công chứng và nghị định về chứng thực, để phân chia, tặng cho, từ chối nhận di sản…, người thừa kế phải đến cơ quan công chứng hoặc chứng thực để tiến hành thủ tục khai nhận di sản thừa kế, trường hợp có tranh chấp thì có thể gửi đơn yêu cầu tòa án giải quyết. Sau khi có văn bản khai nhận di sản thừa kế hoặc biên bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế hoặc bản án của tòa án nhân dân làm căn cứ và chuyển quyền sở hữu thì người chủ sở hữu lúc này mới có quyền định đoạt đối với phần di sản được thừa kế của mình.
Trở lại vấn đề của gia đình bạn, trước khi lập văn bản ủy quyền cho mẹ bạn toàn quyền định đoạt tài sản, gia đình bạn chưa đi làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế. Do đó mặc dù phần di sản chưa khai nhận này sau khi phân chia vẫn thuộc quyền sở hữu của bốn mẹ con bạn (theo tỷ lệ). Riêng phần di sản thừa kế của anh em bạn, như đã giải thích ở trên, khi chưa thực hiện hoàn tất thủ tục khai nhận di sản thừa kế và chuyển quyền sở hữu thì phần di sản thừa kế này vẫn chưa được coi là tài sản thuộc quyền sở hữu của bạn. Cho nên bạn và em bạn cũng không có quyền định đoạt đối với tài sản đó bằng cách ký vào giấy ủy quyền. Do đó, văn bản ủy quyền này không có giá trị pháp lý. Và cũng với căn cứ này, việc tòa án yêu cầu anh em bạn lập lại giấy ủy quyền cho mẹ bạn thế chấp tài sản càng không có căn cứ. Hơn nữa, việc ủy quyền phải hợp lệ và có trước việc thế chấp, không thể hợp pháp hóa giao dịch và tranh chấp này bằng việc lập một giấy ủy quyền mới để thay thế được. Do vậy anh em bạn không có quyền và cũng không có nghĩa vụ phải lập lại giấy ủy quyền.
Tóm lại, giao dịch thế chấp mà mẹ của bạn thực hiện không có hiệu lực đối với phần di sản thừa kế chưa được phân chia của anh em bạn. Cho nên anh em bạn không cần phải lập lại giấy ủy quyền mà nên yêu cầu tòa án xem xét về việc ủy quyền không hợp lệ và yêu cầu phân chia di sản thừa kế để tách riêng phần tài sản của mình ra khỏi tranh chấp giữa mẹ bạn và ngân hàng. Như vậy anh em bạn vẫn có thể giữ lại phần di sản thừa kế của mình.
Thư Viện Pháp Luật