Cảnh sát giao thông chỉ được phạt tiền người vi phạm khi nào?
Theo Điểm đ Khoản 1 Điều 3 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 thì người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính của người vi phạm. Như vậy, nếu cho rằng người tham gia giao thông vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ… thì cảnh sát giao thông phải chứng minh sự vi phạm đó dựa trên kết quả thu được của máy quay phim, người làm chứng… thì mới được phép lập biên bản xử phạt. Cụ thể, theo Điều 3, Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính bao gồm: Mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật;
Việc xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật; Việc xử phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng; Chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định. Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần. Nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt về hành vi vi phạm hành chính đó. Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm; Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính; Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân./.
Thư Viện Pháp Luật