Hồ sơ, thủ tục đăng ký thành lập công ty cổ phần?
Hồ sơ, thủ tục đăng ký thành lập công ty cổ phần?
Chuẩn bị hồ sơ
(Quy định tại Điều 23 Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp)
Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp bao gồm:
1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
2. Dự thảo Điều lệ công ty;
3. Danh sách cổ đông sáng lập công ty cổ phần. Kèm theo danh sách cổ đông sáng lập phải có:
a) Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân;
b) Bản sao hợp lệ Quyết định thành lập, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương khác, bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân của người đại diện theo ủy quyền và quyết định ủy quyền tương ứng đối với trường hợp cổ đông sáng lập là pháp nhân.
4. Văn bản xác nhận vốn pháp định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối với công ty kinh doanh ngành, nghề mà theo quy định của pháp luật phải có vốn pháp định;
5. Bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề của một hoặc một số cá nhân đối với công ty cổ phần nếu công ty kinh doanh ngành, nghề mà theo quy định của pháp luật phải có chứng chỉ hành nghề.
Lưu ý:
Dự thảo điều lệ công ty phải có đầy đủ chữ ký của người đại diện theo pháp luật, của các cổ đông sáng lập hoặc người đại diện theo ủy quyền của cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần. Các cổ đông sáng lập phải cùng nhau chịu trách nhiệm về sự phù hợp pháp luật của điều lệ công ty.
Danh sách cổ đông sáng lập công ty cổ phần lập theo mẫu quy định tại Phụ lục I7 Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT.
Hồ sơ, thủ tục đăng ký thành lập công ty cổ phần? (Hình từ Internet)
Nộp và hoàn thiện hồ sơ
(Quy định tại Điều 15 Nghị định 01/2021/NĐ-CP).
Cách thức thực hiện:
Doanh nghiệp thực hiện theo một trong các cách sau:
Đăng ký trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh.
Đăng ký trực tuyến trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia (Xem Tài liệu hướng dẫn đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử).
Trình tự thực hiện (đối với trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp)
Bước 1: Doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ đầy đủ theo quy định.
Bước 2: Doanh nghiệp nộp hồ sơ tới cơ quan đăng ký doanh nghiệp
Người thành lập doanh nghiệp hoặc người đại diện theo ủy quyền nộp hồ sơ theo quy định tại Phòng Đăng ký kinh doanh cấp tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
Doanh nghiệp nộp lệ phí Đăng ký doanh nghiệp là 200.000 đồng.
Phòng Đăng ký kinh doanh kiểm tra hồ sơ đủ giấy tờ theo quy định, tiếp nhận hồ sơ và cấp Giấy biên nhận cho doanh nghiệp.
Bước 3: Phòng Đăng ký kinh doanh kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và giải quyết hồ sơ của doanh nghiệp. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh có thông báo bằng văn bản nêu rõ nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong vòng 05 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ
Bước 4: Căn cứ theo ngày hẹn trên giấy Biên nhận, doanh nghiệp đến Phòng Đăng ký kinh doanh để nhận kết quả giải quyết hồ sơ.
Nhận kết quả
(Quy định tại điều 15 Nghị định 01/2021/NĐ-CP)
Đối với hồ sơ chưa hợp lệ cần bổ sung, doanh nghiệp thực hiện theo các bước như sau:
Doanh nghiệp nhận Thông báo bổ sung hồ sơ.
Doanh nghiệp điều chỉnh lại hồ sơ theo nội dung hướng dẫn trong thông báo bổ sung và nộp lại hồ sơ theo quy trình trên.
Đối với hồ sơ hợp lệ, được chấp thuận:
Nếu doanh nghiệp nộp hồ sơ bằng bản giấy tại phòng Đăng ký kinh doanh: Tới ngày hẹn trả kết quả, doanh nghiệp nhận Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Nếu doanh nghiệp nộp hồ đăng ký kinh doanh qua mạng sử dụng tài khoản đăng ký kinh doanh: đến ngày hẹn trả kết quả, doanh nghiệp mang một bộ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp bằng bản giấy kèm theo Giấy biên nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử đến Phòng Đăng ký kinh doanh và nhận Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Lưu ý:
Với trường hợp đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử sử dụng tài khoản đăng ký kinh doanh, nếu quá thời hạn 30 ngày, kể từ ngày gửi thông báo về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mà Phòng Đăng ký kinh doanh không nhận được hồ sơ bằng bản giấy thì hồ sơ đăng ký điện tử của doanh nghiệp không còn hiệu lực.
Hồ sơ, thủ tục đăng ký thành lập công ty cổ phần? (Hình từ Internet)
Sau đăng ký kinh doanh
(Quy định tại Điều 9, Điều 27, Điều 84 và Điều 85 Luật Doanh nghiệp, Điều 26 Nghị định 01/2021/NĐ-CP)
Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, để có thể chính thức hoạt động, doanh nghiệp cần thực hiện một số thủ tục sau:
1. Sau khi có mã số doanh nghiệp (đồng thời là mã số thuế), doanh nghiệp cần thực hiện một số thủ tục về thuế tại Cơ quan Thuế để kê khai, nộp thuế theo thông báo của Cục thuế tỉnh/thành phố (thủ tục tạo và phát hành hóa đơn; thủ tục mua, cấp hóa đơn; thủ tục kê khai nộp thuế,…).
2. Doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện thực hiện thủ tục khắc dấu cần liên hệ với cơ quan liên quan và cơ quan công an để thực hiện thủ tục khắc dấu, đăng ký mẫu dấu theo quy định tại Nghị định 99/2016/NĐ-CP.
3. Đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện: sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp liên hệ cơ quan quản lý chuyên ngành để được hướng dẫn.
4.Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thành lập hoặc đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp phải đăng nội dung đăng ký doanh nghiệp trên cổng Thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia theo quy định tại Điều 27 Luật doanh nghiệp và trả phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp.
Nghĩa vụ của doanh nghiệp:
Hoạt động kinh doanh theo đúng ngành, nghề đã ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; bảo đảm điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật khi kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.
Trường hợp phát hiện nội dung trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp chưa chính xác so với nội dung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp thì doanh nghiệp gửi thông báo yêu cầu cơ quan đăng ký kinh doanh hiệu đính cho phù hợp. Việc tự ý thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.
Treo biển tại trụ sở của doanh nghiệp.
Khi thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, người thành lập doanh nghiệp phải đến cơ quan đăng ký kinh doanh thực hiện đăng ký thay đổi kịp thời và chính xác trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có quyết định thay đổi.
Tổ chức công tác kế toán, lập và nộp báo cáo tài chính trung thực, chính xác, đúng thời hạn theo quy định của pháp luật về kế toán.
Đăng kê khai thuế, nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.
Bảo đảm quyền, lợi ích của người lao động theo quy định của pháp luật về lao động; thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm khác cho người lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm.
Bảo đảm và chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa, dịch vụ theo tiêu chuẩn đã đăng ký hoặc công bố.
Thực hiện chế độ thống kê theo quy định của pháp luật về thống kê; định kỳ báo cáo đầy đủ các thông tin về doanh nghiệp, tình hình tài chính của doanh nghiệp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo mẫu quy định; khi phát hiện các thông tin đã kê khai hoặc báo cáo thiếu chính xác, chưa đầy đủ thì phải kịp thời sửa đổi, bổ sung các thông tin đó.
Tuân thủ quy định của pháp luật về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường, bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh.
Doanh nghiệp phải lưu giữ các tài liệu của doanh nghiệp tại trụ sở chính của doanh nghiệp.
Công ty cổ phần phải gửi báo cáo tài chính hàng năm đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về kế toán và pháp luật có liên quan.
Lập sổ và lưu giữ sổ đăng ký cổ đông từ khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và phải được lưu giữ, bảo quản theo quy định của pháp luật.
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày cuối cùng các cổ đông quy định tại Nghị định 01/2021/ NĐ-CP phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua, công ty phải thông báo kết quả góp vốn cổ phần đã đăng ký đến cơ quan đăng ký kinh doanh.
Thư Viện Pháp Luật