Theo dõi thông tin cá nhân của vợ/chồng có hợp pháp?
Trước hết theo điều 38 bộ luật dân sự, quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và bảo vệ cụ thể như sau:
“Điều 38. Quyền bí mật đời tư
1. Quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.
2. Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp thu thập, công bố thông tin, tư liệu theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
3. Thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.
Việc kiểm soát thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được thực hiện trong trường hợp pháp luật có quy định và phải có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.”
Theo đó, việc bạn tự ý theo dõi, thu thập thông tin từ điện thoại, tin nhắn của vợ đã xâm phạm quyền bí mật về đời tư của vợ. Hơn thế nữa, theo khoản 1 điều 19 luật hôn nhân và gia đình: “vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình.”
Do đó mặc dù như bạn trình bày, vợ bạn có nhắn tin với lời lẽ tình cảm, yêu đương với người khác là không đúng. Tuy nhiên, việc bạn nghi ngờ và theo dõi vợ như vậy có thể thấy bạn không tôn trọng sự riêng tư của vợ – dù hành động này có thể xuất phát từ tình cảm của bạn… Cho nên, để giúp bạn giải quyết vấn đề của mình, LGP chỉ xin góp ý rằng, nếu bạn vẫn muốn gìn giữ gia đình thì nên chấm dứt ngay việc theo dõi và nói chuyện với vợ về việc này trên tinh thần tôn trọng và thiện chí để qua đó giải tỏa những khúc mắc giữa hai người để tránh mâu thuẫn kéo dài khiến cho tình cảm gia đình rạn nứt trầm trọng hơn.
Thư Viện Pháp Luật