Lịch nghỉ lễ 30/4 của công ty có theo nhà nước?
Trước hết, lịch nghỉ lễ theo văn bản thông báo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành hằng năm mà chúng ta quen gọi là “nghỉ theo lịch nhà nước” hay “nhà nước cho nghỉ” chỉ áp dụng cho đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội. Sau đây gọi là lịch nghỉ của cán bộ công chức.
Những người lao động không nằm trong những đối tượng nêu trên – kể cả người lao động làm việc trong doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam sẽ được hưởng chế độ nghỉ lễ, tết theo quy định tại điều 115 bộ luật lao động (BLLĐ), cụ thể:
“1. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:
a) Tết Dương lịch 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);
b) Tết Âm lịch 05 ngày;
c) Ngày Chiến thắng 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);
d) Ngày Quốc tế lao động 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);
đ) Ngày Quốc khánh 01 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch);
e) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).
2. Lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài ngày nghỉ lễ theo quy định tại khoản 1 Điều này còn được nghỉ thêm 01 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 01 ngày Quốc khánh của nước họ.
3. Nếu những ngày nghỉ theo quy định tại khoản 1 Điều này trùng vào ngày nghỉ hằng tuần, thì người lao động được nghỉ bù vào ngày kế tiếp.”
Mặt khác, ngày nghỉ hằng tuần được quy định tại điều 110 BLLĐ như sau:
“Điều 110. Nghỉ hằng tuần
1. Mỗi tuần, người lao động được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục. Trong trường hợp đặc biệt do chu kỳ lao động không thể nghỉ hằng tuần, thì người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm cho người lao động được nghỉ tính bình quân 01 tháng ít nhất 04 ngày.
2. Người sử dụng lao động có quyền quyết định sắp xếp ngày nghỉ hằng tuần vào ngày chủ nhật hoặc một ngày cố định khác trong tuần nhưng phải ghi vào nội quy lao động.”
Theo đó, trong một tuần làm việc, người lao động được nghỉ ít nhất là một ngày và thông thường ngày nghỉ hằng tuần sẽ rơi vào ngày chủ nhật. Tuy nhiên điều này không bắt buộc và việc sắp xếp ngày nghỉ hằng tuần vào ngày nào trong tuần phụ thuộc vào người sử dụng lao động căn cứ vào yêu cầu kinh doanh, giao dịch của mỗi doanh nghiệp nhưng phải ghi vào nội quy lao động. Thực tế có những doanh nghiệp nghỉ hằng tuần vào ngày thứ 2, và đi làm vào những ngày còn lại, có doanh nghiệp nghỉ hằng tuần vào thứ 7, vào chủ nhật hoặc cả hai ngày thứ 7 và chủ nhật.
Như vậy chỉ những doanh nghiệp nào có quy định trong nội quy lao động ngày nghỉ hằng tuần là thứ 7 và chủ nhật thì số ngày nghỉ lễ được hưởng nguyên lương và ngày nghỉ bù được quy đổi sẽ tương tự như lịch nghỉ của các bộ, công chức.
Do đó từ những thông tin bạn cung cấp chưa đủ để xác định việc công ty cho nghỉ ít hơn so với “lịch nhà nước” là đúng hay sai theo quy định của pháp luật lao động mà trước hết bạn nên xem lại trong nội quy lao động của công ty mình ngày nghỉ hằng tuần là ngày nào? Sau đó đối chiếu với quy định các điều 110 và 115 BLLĐ đã trích dẫn ở trên để xác định công ty mình có vi phạm pháp luật về lao động không khi chỉ cho người lao động nghỉ 2 ngày vào dịp lễ giỗ tổ Hùng Vương và 3 ngày vào dịp lễ 30/4 và 1/5.
Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay rơi vào thứ 7 ngày 16 tháng 4, theo nội quy lao động ngày thứ 7 là ngày làm việc và ngày nghỉ hằng tuần là ngày chủ nhật thì công ty giải quyết cho người lao động nghỉ hai ngày thứ 7 và chủ nhật; Đồng thời, cho nghỉ 3 ngày 30/4, 1/5 và 2/5 (bù cho ngày chủ nhật là ngày nghỉ hằng tuần) là đúng theo quy định của pháp luật do năm nay ngày 30/4 rơi vào ngày thứ 7, ngày 1/5 rơi vào ngày chủ nhật.
Thư Viện Pháp Luật