Công ty có quyền thu giữ điện thoại của nhân viên?
Trước hết, việc công ty chi trả tiền cước điện thoại cho bạn là một trong những loại trợ cấp (kèm theo lương) theo quy định của công ty và như bạn đã đề cập trong phần trình bày, việc chi trả này hoàn toàn nhằm mục đích hỗ trợ cho công việc. Và việc chi trả tiền cước điện thoại không xác lập quyền sở hữu của người sử dụng lao động đối với chiếc điện thoại của bạn.
Mặt khác, theo quy định tại điều 38 bộ luật dân sự về quyền bí mật đời tư:
“Điều 38. Quyền bí mật đời tư
1. Quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.
2. Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp thu thập, công bố thông tin, tư liệu theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
3. Thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.
Việc kiểm soát thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được thực hiện trong trường hợp pháp luật có quy định và phải có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.”
Thanh tra nội bộ công ty bạn không phải là một cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Bên cạnh đó, bộ luật lao động cũng hoàn toàn không có nội dung nào quy định người sử dụng lao động có quyền thu giữ cũng như sao chép thông tin cá nhân, dữ liệu riêng tư trong điện thoại của bạn mà không được sự đồng ý của bạn. Ngay cả khi việc thu giữ, sao chép này nhằm mục đích xác minh lỗi vi phạm phục vụ cho việc xử lý kỷ luật lao động.
Do vậy nếu không được sự đồng ý của bạn mà người sử dụng lao động có những hành vi thu giữ điện thoại hoặc thu thập, sao chép dữ liệu của bạn thì bạn hoàn toàn có quyền gửi đơn khởi kiện dân sự đến tòa án nhân dân nơi công ty có trụ sở để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Thư Viện Pháp Luật