Tòa không chứng minh thu nhập khi ly hôn, đúng hay sai?

Tôi và chồng tôi ly hôn tháng 1/2016. Tòa có quyết định chồng tôi nuôi 2 con. Mỗi tháng tôi cấp dưỡng 3 triệu đồng/tháng cho 2 con Khi làm đơn ra tòa, tôi xin nhận nuôi 1 con và chồng em nuôi 1 con. Nhưng khi tòa hòa giải, tòa có hỏi tôi vì sao không nuôi 2 con, tôi nói không đủ khả năng nuôi 2 con. Thẩm phán nói: 2 đứa nhỏ giờ không tách nó ra được, hoặc bố nuôi cả, hoặc mẹ nuôi cả. Sau đó hỏi hỏi chồng tôi có nuôi được 2 con không? Chồng tôi trả lời là có. Sau đó thẩm phán hỏi thu nhập của 2 vợ chồng tôi. Chồng tôi nói tháng mười mấy triệu, tôi nói tháng hơn 3 triệu và coa thể trợ cấp tháng 3 triệu cho 2 con. Tòa cũng không yêu cầu chồng tôi và tôi phải có xác thực thu nhập từ cơ quan. Sau đó thẩm phán nói tôi hãy thay đổi đơn là để chồng nuôi 2 con (lúc đầu đơn của tôi là mỗi người nuôi 1 con), và tôi đã thay đổi. Lí do tôi đồng ý để chồng nuôi 2 con vì lúc đó tức, khi tôi đang nuôi 2 con lúc vợ chồng li thân thì chồng tôi hay qua phòng gây sự, đánh đập nên quyết định để con cho chồng nuôi. Vậy anh chị cho tôi hỏi việc tòa án không yêu cầu xác thực mức thu nhập của chồng tôi và tôi trước khi ra quyết định giao con cho chồng tôi nuôi là đúng hay sai? Vì trên thực tế, công việc của chồng em bấp bênh, làm cơ khí hưởng lương theo ngày, lúc có việc thì làm, lúc không có việc thì nghỉ. Mức lương trong một ngày của chồng em là 350.000đồng. Và làm tư nhân nên khó xác thực được một tháng thu nhập mười mấy triệu như chồng em nói trước tòa. Hoàn cảnh của chồng cũng không biết dựa vào ai, vì bố mẹ chồng em đã mất từ khi chồng còn bé, chồng em có một chị ruột đã có gia đình ở quê nên cũng không thể phụ chồng em chăm nuôi 02 con em được. Trình độ học vấn của chồng là 5/12. Hiện chồng em đang ở trọ, một mình nuôi 02 con, em trợ cấp 3 triệu/tháng. Còn em là giáo viên cấp 3 đang dạy 5 năm tại trường công lập ở Bình Dương, lương em 3,6 triệu/ tháng. Em cũng ở trọ. Nếu em nuôi con thì em đem con về quê ở với bà ngoại, hàng tháng em gửi tiền về cho con. Hè em được nghỉ em về quê thăm con. Bây giờ em muốn giành lại quyền nuôi 01 con, chồng nuôi 01 con, không ai phải phụ cấp cho ai có được không ạ? Nếu tòa giải quyết cho em được nuôi 01 con thì em mang con về quê ngoại sống có cần được sự nhất trí của chồng em không ạ?

Trước tiên qua trình bày của bạn, việc giải quyết ly hôn cho bạn chỉ được thực hiện ở phiên hòa giải. Trong đó, thẩm phán là người chủ trì phiên hòa giải và việc hỏi và đưa ra ý kiến chỉ nhằm mục đích điều phối các bên tham gia hòa giải để các bên tự nguyện thỏa thuận với nhau để giải quyết tranh chấp. Các ý kiến của Thẩm phán như là nên giao cả hai con cho một người trực tiếp nuôi hoàn toàn vì lợi ích của hai đứa trẻ và ý kiến này không hề mang tính chất áp đặt.

Nếu bạn vẫn giữ nguyên yêu cầu được trực tiếp nuôi một con và chồng bạn không đồng ý thì tranh chấp giữa vợ chồng bạn sẽ được đưa ra xét xử và giải quyết theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình. Lúc này, quyền quyết định giao con của bạn cho bạn hay chồng bạn trực tiếp nuôi dưỡng thuộc về hội đồng xét xử, căn cứ vào lợi ích về mọi mặt của hai đứa trẻ. Khi đó bạn và chồng bạn phải chứng minh mình có điều kiện nuôi dưỡng con tốt hơn người kia, trong đó có việc chứng minh thu nhập.

Như vậy, việc giải quyết giao cả hai con cho chồng bạn trực tiếp nuôi dưỡng không có sai phạm gì về mặt tố tụng cả.

Nay bạn muốn nộp đơn yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con thì việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải có sự đồng ý của người cha và điều này phù hợp với lợi ích của con (thông qua thương lượng); hoặc bạn có căn cứ chứng minh rằng người cha này không còn đủ điều kiện trực tiếp trộng nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con (khoản 2 điều 84 luật hôn nhân và gia đình).

Các điều kiện cần phải chứng minh ở đây bao gồm điều kiện về kinh tế, nơi ở, môi trường sống… hoặc có chứng cứ chứng minh người cha có hành vi ngược đãi, không quan tâm chăm sóc con… Bên cạnh đó, bạn cũng phải chứng minh bạn có các điều kiện tốt hơn người kia và việc chuyển quyền trực tiếp nuôi con sang cho bạn sẽ mang lại lợi ích tốt nhất cho đứa trẻ.
Đối chiếu với điều kiện của bạn. Chưa nói đến điều kiện của người chồng như thế nào, thì riêng về phía bạn thì với mức lương và điều kiện sống như vậy, bạn cũng khó có thể chứng minh nếu giao quyền trực tiếp nuôi con cho bạn thì đứa trẻ sẽ được chăm sóc, nuôi dưỡng tốt hơn. Bên cạnh đó nếu giành được quyền nuôi con thì đứa trẻ cũng không do chính bạn chăm sóc mà gửi về cho bà ngoại nuôi giúp. Vì bận đi làm bạn cũng không thể thường xuyên ở gần con. Điều này càng gây bất lợi cho khả năng giành được quyền nuôi con của bạn bởi việc nuôi dưỡng con không chỉ quan trọng ở vấn đề kinh tế mà còn ở tình cảm, sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ, người thân thích như ông bà chỉ phụ giúp thêm việc chăm nuôi đứa trẻ chứ không thể hoàn toàn thay thế tình cảm của cha mẹ đối với con được. Chưa kể trường hợp sau khi giành được quyền trực tiếp nuôi con, bạn muốn mang con về ở cùng bà ngoại thì phải có sự đồng ý của người cha vì việc này liên quan trực tiếp đến quyền thăm nom, chăm sóc của người cha không trực tiếp nuôi con.

Mặt khác, từ thông tin bạn cung cấp, ngoài việc không có nhà riêng thì người cha này vẫn một mình chăm sóc được cả hai con và bạn cũng không có để thực tiếp nuôi con.

Trường hợp bạn có chứng cứ chứng minh người cha này không thương yêu con, có hành vi ngược đãi con thì cả hai con của bạn đều cần phải thay đổi người trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng. Nhưng do bạn không đủ khả năng nuôi cả hai con nên tòa có thể ra quyết định giao con bạn cho người giám hộ trực tiếp nuôi dưỡng theo quy định của bộ luật dân sự (khoản 4 điều 84 luật hôn nhân và gia đình)…

Tóm lại nếu bạn vẫn muốn được nuôi một trong hai con, giải pháp tốt nhất lúc này vẫn là thương lượng lại với cha của hai đứa trẻ. Nếu người này vẫn không đồng ý thì như những ý kiến phân tích ở trên, bạn không nên nộp đơn yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con ngay mà nên sắp xếp lại cuộc sống của mình để bổ sung thêm các điều kiện làm căn cứ chứng minh mình có khả năng chăm sóc và giáo dục con tốt hơn người kia.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Thủ tục ly hôn

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào