Thủ tục yêu cầu ly hôn khi chồng bỏ đi biệt tích
Về hồ sơ cần thiết tiến hành thủ tục ly hôn:
Theo quy định tại Điều 6 Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 thì khi gửi đơn khởi kiện cho Toà án, người khởi kiện phải gửi kèm theo tài liệu, chứng cứ để chứng minh mình là người có quyền khởi kiện và những yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Tuy nhiên, trong trường hợp vì lý do khách quan mà chưa thể nộp ngay đầy đủ các tài liệu, chứng cứ, thì người khởi kiện phải nộp các tài liệu, chứng cứ ban đầu chứng minh cho việc khởi kiện là có căn cứ. Các tài liệu, chứng cứ khác, người khởi kiện phải tự mình bổ sung hoặc bổ sung theo yêu cầu của Toà án trong quá trình giải quyết vụ án.
Như vậy, đối với vụ án về ly hôn, khi gửi đơn khởi kiện cho Toà án yêu cầu giải quyết ly hôn thì về nguyên tắc người khởi kiện phải gửi kèm theo đầy đủ các tài liệu, chứng cứ về quan hệ hôn nhân, con, tài sản chung của vợ chồng; nếu chưa thể gửi đầy đủ các tài liệu, chứng cứ này, thì cùng với đơn khởi kiện, người khởi kiện phải gửi bản sao giấy đăng ký kết hôn, bản sao giấy khai sinh của con (nếu có tranh chấp về nuôi con).
Căn cứ quy định trên, khi không có bản chính, mẹ bạn có thể nộp bản sao những giấy tờ có liên quan, đồng thời, trình bày rõ trong đơn khởi kiện về lý do mình không thể cung cấp bản chính những giấy tờ có liên quan đó.
Về thủ tục cấp bản sao, theo quy định tại Điều 16, 17 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch thì cá nhân, tổ chức được cấp bản chính có quyền yêu cầu cấp bản sao từ sổ gốc. Theo đó, người yêu cầu cấp bản sao từ sổ gốc phải xuất trình bản chính hoặc bản sao có chứng thực Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn giá trị sử dụng để cơ quan, tổ chức lưu trữ kiểm tra, xem xét. Đối với những giấy tờ còn giữ được bản chính thì có thể yêu cầu chứng thực bản sao từ bản chính.
Ly hôn khi một bên đương sự vắng mặt
Sau khi nhận và thụ lý đơn yêu cầu ly hôn, Toà án có nghĩa vụ “cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng cho đương sự” (theo Điều 146 Bộ luật Tố tụng dân sự). Tuy nhiên, trong vụ án này, bị đơn đã bỏ nhà đi và hiện nguyên đơn không biết nơi cư trú của bị đơn. Do đó, việc cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng cho đương sự được thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 152. Theo đó: “Trong trường hợp người được cấp, tống đạt hoặc thông báo vắng mặt mà không rõ thời điểm trở về hoặc không rõ địa chỉ thì người thực hiện việc cấp, tống đạt hoặc thông báo phải lập biên bản về việc không thực hiện được việc cấp, tống đạt hoặc thông báo có chữ ký của người cung cấp thông tin”.
Khi không rõ tung tích của người được cấp, tống đạt hoặc thông báo hoặc không thể thực hiện được việc cấp, tống đạt hoặc thông báo trực tiếp thì Tòa án thực hiện thủ tục niêm yết công khai văn bản tố tụng (theo quy định tại Điều 154).
Như vậy, căn cứ các quy định trên về hồ sơ, về trình tự giải quyết vụ việc khi vắng mặt bị đơn thì việc Tòa án chỉ trả lời rằng trường hợp của mẹ bạn không có đủ cơ sở để giải quyết vụ việc và cũng không thể xử được là chưa rõ ràng. Vì theo quy định tại khoản 5 Điều 8 Nghị quyết nêu trên thì việc trả lại đơn khởi kiện phải được Toà án thông báo bằng văn bản cho người khởi kiện và Viện kiểm sát cùng cấp biết; trong đó cần ghi rõ lý do trả lại đơn khởi kiện thuộc trường hợp nào quy định tại khoản 1 Điều 168 của BLTTDS. Thông báo này có thể được giao trực tiếp hoặc gửi cho người khởi kiện qua bưu điện. Việc giao hoặc gửi thông báo này phải có sổ theo dõi.
Thư Viện Pháp Luật