Anh em nuôi có được kết hôn?
Theo quy định tại Điều 8 Luật hôn nhân và gia đình về điều kiện kết hôn
“1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:
a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.”
Trường hợp được hướng dẫn tại Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình mà UBND xã đã từ chối bạn thực hiện quyền kết hôn được quy định như sau:
“2. Cấm các hành vi sau đây:
d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;”
Trong các hành vi cấm, không có cấm hành vi kết hôn trái thuần phong mỹ tục mà các biểu hiện trái thuần phong mỹ tục đều được thể hiện rõ trong từng trường hợp tại khoản 2 điều 5 Luật hôn nhân và gia đình. Theo điểm d, Luật này không cấm hành vi kết hôn giữa anh em nuôi với nhau mà chỉ cấm kết hôn giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi trong quan hệ nuôi dưỡng. Như vậy anh em nuôi vẫn được kết hôn với nhau một cách bình thường nếu đủ các điều kiện kết hôn theo quy định tại điều 8 Luật hôn nhân và gia đình.
Việc kết hôn là quyền của mỗi công dân khi đủ các điều kiện được pháp luật quy định, việc cán bộ UBND ngăn chặn việc kết hôn của hai bạn là trái với quy định của pháp luật và nhiệm vụ và thẩm quyền của UBND, nên bạn có thể khiếu nại về hành vi này của cán bộ tư pháp lên chủ tịch UBND cấp xã yêu cầu giải quyết theo đúng quy định về khiếu nại trong Luật khiếu nại.
Thư Viện Pháp Luật