Chủ nợ không đòi được tiền quay ra đập phá đồ đạc trong nhà, phải làm sao?
Việc thực hiện hợp đồng vay không kỳ hạn được quy định tại điều 477 bộ luật dân sự 2005 như sau:
“Điều 477. Thực hiện hợp đồng vay không kỳ hạn
1. Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và không có lãi thì bên cho vay có quyền đòi lại tài sản và bên vay cũng có quyền trả nợ vào bất cứ lúc nào, nhưng phải báo cho nhau biết trước một thời gian hợp lý, nếu không có thoả thuận khác.
2. Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và có lãi thì bên cho vay có quyền đòi lại tài sản bất cứ lúc nào nhưng phải báo trước cho bên vay một thời gian hợp lý và được trả lãi đến thời điểm nhận lại tài sản, còn bên vay cũng có quyền trả lại tài sản bất cứ lúc nào và chỉ phải trả lãi cho đến thời điểm trả nợ, nhưng cũng phải báo trước cho bên cho vay một thời gian hợp lý.”
Ngoài ra pháp luật không có quy định riêng bắt buộc về hình thức của hợp đồng vay tiền cho nên theo quy định tại khoản 1 điều 401 bộ luật dân sự, hợp đồng vay không nhất thiết phải được lập thành văn bản mà có thể được giao kết bằng lời nói hoặc bằng hành vi cụ thể. Do đó dù việc vay tiền giữa bạn và người kia không được lập thành văn bản, không có giấy nợ nhưng đã có việc vay tiền và trả tiền và các bên cũng thừa nhận có việc vay nợ. Do đó bạn có nghĩa vụ trả nợ khi người cho vay thông báo cho bạn một thời gian hợp lý hoặc theo thời hạn mà hai bên thỏa thuận. Trường hợp bạn không trả nợ đúng hạn đã đưa ra có nghĩa là bạn đã vi phạm nghĩa vụ trả nợ trong hợp đồng vay tài sản. Và người cho vay hoàn toàn có quyền khởi kiện dân sự đối với bạn để yêu cầu Tòa án thụ lý giải quyết và buộc bạn thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo đúng thỏa thuận mà các bên đã giao kết.
Tuy nhiên hành vi đập phá đồ đạc trong nhà bạn để trút giận là trái pháp luật. Do đó bạn có thể trình báo lên cơ quan công an để được can thiệp giải quyết, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bạn và gia đình.
Ngoài ra cũng xin thông tin thêm, nếu những tài sản mà người kia đập phá làm hư hỏng gây thiệt hại từ hai triệu đồng trở lên thì người này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” theo quy định tại điều 143 bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009); trường hợp giá trị tài sản bị hư hỏng dưới hai triệu đồng thì người này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với hình thức phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng theo điểm a khoản 2 điều 15 nghị định 167/2013/NĐ-CP.
Thư Viện Pháp Luật