Không đăng ký kết hôn là hôn nhân không hợp pháp
Khoản 1 và 2, Điều 11, Luật Hôn nhân và gia đình quy định như sau:
Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền (sau đây gọi là cơ quan đăng ký kết hôn) thực hiện theo nghi thức quy định tại Điều 14 của luật này (Điều 14 quy định: Khi tổ chức đăng ký kết hôn phải có mặt hai bên nam, nữ kết hôn. Đại diện cơ quan đăng ký kết hôn yêu cầu hai bên cho biết ý muốn tự nguyện kết hôn, nếu hai bên đồng ý kết hôn thì đại diện cơ quan đăng ký kết hôn trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên).
Mọi nghi thức kết hôn không theo quy định tại Điều 14 của luật này đều không có giá trị pháp lý.
Nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng thì không được pháp luật công nhận là vợ chồng.
Theo tinh thần Nghị quyết 35 được Quốc hội thông qua ngày 9-6-2000 thì kể từ ngày 1-1-2001 trở đi nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn, đều không được pháp luật công nhận là vợ chồng; nếu có yêu cầu ly hôn thì tòa án thụ lý và tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng; nếu có yêu cầu về con và tài sản thì tòa án áp dụng khoản 2 và khoản 3 Điều 17 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 để giải quyết.
Theo quy định trên thì bạn gái anh Thắng chung sống như vợ chồng (chưa đăng ký kết hôn) với người đàn ông khác đã có con riêng không được pháp luật công nhận là hôn nhân hợp pháp nên anh Thắng và cô ấy đủ điều kiện đăng ký kết hôn. Nếu có phát sinh về việc tranh chấp con riêng của cô ấy với người đàn ông đã từng chung sống như vợ chồng thì sẽ được tòa án giải quyết quyền lợi của con cái như việc giải quyết cha mẹ ly hôn (khoản 2, Điều 17 - Luật Hôn nhân và gia đình).
Thư Viện Pháp Luật