Mức án của tội đánh bạc

Gia đình cháu có người thân bán nước giải khát, có cho 5 người đánh bạc, canh bạc từ 50 đến 500 nghìn đồng. Khi CA bắt thu được số tiền là 10 triệu 900 nghìn, và trong ví 5 người chơi tất cả được 10 triệu mấy trăm nghìn. Hiện người thân cháu đang được tại ngoại chờ ngày ra toà, các đối tượng đánh bạc được tại ngoại sau 9 ngày. Người thân cháu có bố là người có công với cách mạng nhận được huân chương kháng chiến hạng nhất chống Mỹ, thẻ thương binh. Người thân cháu thành thật khai báo và là công dân tốt lần đầu tiên phạm tội. Cho cháu hỏi mức án phải nhận như thế nào ạ!

Tội tổ chức đánh bạc được quy định tại điều 249 Bộ luật Hình sự (BLHS) 1999 (sửa đổi bổ sung 2009 có hiệu lực đến 30/6/2016) như sau:

“Điều 249. Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc

1. Người nào tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trái phép với quy mô lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này và Điều 248 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến ba trăm triệu đồng hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”

Như thông tin bạn trình bày, người thân của bạn cho 5 người khách đến uống nước đánh bạc với tổng số tiền thu được trên chiếu bạc khoảng 20 triệu 900 ngàn đồng. Người thân của bạn không có tiền án, tiền sự vê tội đánh bạc cũng như tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc nên chỉ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trái phép với “quy mô lớn”.

Tình tiết “quy mô lớn” được hướng dẫn tại khoản 1 điều 2 nghị quyết 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22 tháng 10 năm 2010 bao gồm những trường hợp sau:

“a) Tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trong cùng một lúc cho từ mười người đánh bạc trở lên hoặc cho từ hai chiếu bạc trở lên mà số tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc có giá trị từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.

b) Có tổ chức nơi cầm cố tài sản cho người tham gia đánh bạc; có lắp đặt trang thiết bị phục vụ cho việc đánh bạc; khi đánh bạc có phân công người canh gác, người phục vụ, có sắp đặt lối thoát khi bị vây bắt, sử dụng phương tiện như ô tô, xe máy, xe đạp, điện thoại… để trợ giúp cho việc đánh bạc;

c) Tổng số tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trong cùng một lần có giá trị từ 20.000.000 đồng trở lên.”

Trường hợp người thân của bạn chưa đến mức tại khoản 1 nêu trên nhưng tổng số tiền đánh bạc thu được lại có giá trị từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng cho nên theo khoản 2 điều 2 của nghị quyết này, người thân của bạn không phải chịu trách nhiệm hình sự về “tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc” nhưng phải chịu trách nhiệm hình sự về đồng phạm tội đánh bạc (điều 248 BLHS)

“Điều 248. Tội đánh bạc

1. Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 249 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.”

Việc quyết định hình phạt đối với người thân của bạn thuộc thẩm quyền của hội đồng xét xử, căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi phạm tội cũng như xem xét đến các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, loại trừ trách nhiệm hình sự của người này (điều 53 BLHS 1999). Do việc quyết định hình phạt thuộc thẩm quyền của Tòa án do đó không thể đưa ra tư vấn chính xác về mức án chính xác mà người thân bạn phải chịu. Tuy nhiên, tội đánh bạc theo khoản 1 điều 248 là loại tội phạm ít nghiêm trọng, bên cạnh đó, người thân bạn có nhiều tình tiết giảm nhẹ do vậy có thể sẽ được hưởng án treo hoặc được quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng.

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào