Cá độ bóng đá trên internet, tội gì và ở tù bao lâu?
Như thông tin báo chí đã đăng tải, chiều 22-6 Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an tỉnh Quảng Bình (PC45) cho biết vừa phối hợp Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao triệt phá đường dây cá độ bóng đá qua mạng internet với tổng số tiền cá độ lên đến trên 3.000 tỉ đồng.
Theo PC 45 Công an tỉnh Quảng Bình, sau khi phát hiện dấu hiệu phạm tội của đường dây cá độ trên website mb88ag.com, đơn vị này đã phối hợp Bộ Công an lên phương án triệt phá.
Hồ sơ điều tra ban đầu ghi nhận chỉ riêng tháng trước và trong mùa EURO 2016, đã có hàng ngàn người tham gia cá độ bóng đá trên trang này với số tiền lên đến trên 300 tỉ đồng. Tính từ khi lập ra trang mạng, số tiền cá độ đã lên đến trên 3.000 tỉ đồng. Cơ quan công an cũng đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp 12 đối tượng (đều trú tại Quảng Bình) liên quan đến vụ việc này.
Cá độ bóng đá là hình thức của hành vi đánh bạc
Theo quy định tại điều 248 Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định về tội đánh bạc như sau:
“1. Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 249 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
b) Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc có giá trị từ năm mươi triệu đồng trở lên;”
theo hướng dẫn của Nghị quyết số 01/2010/NQ – HĐTP Hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 248 và Điều 249 của Bộ luật Hình sự về Tội đánh bạc được quy định như sau:
Điểm b khoản 4 Điều 1 quy định: “…Trường hợp đánh bạc dưới hình thức chơi số đề, cá độ bóng đá, cá độ đua ngựa… thì một lần chơi số đề, một lần cá độ bóng đá, một lần cá độ đua ngựa… (để tính là một lần đánh bạc) được hiểu là tham gia chơi trong một lô đề, tham gia cá độ trong một trận bóng đá, tham gia cá độ trong một kỳ đua ngựa… trong đó người chơi có thể chơi làm nhiều đợt. Trách nhiệm hình sự được xác định đối với người chơi một lần đánh bạc trong các trường hợp này là tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng để chơi trong các đợt đó.”
Như vậy, cá độ bóng đá dưới bất kỳ hình thức nào cũng được xác định là một hình thức trò chơi được thua bằng tiền theo cấu thành tội đánh bạc tại điều 248 BLHS 1999 (Sửa đổi năm 2009).
Việc tổ chức đường dây cá độ bóng đá trên mạng tương tự sẽ bị xử lý về hành vi tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc tại điều 249 BLHS 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009): “Người nào tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trái phép với quy mô lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này và Điều 248 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.” Trường hợp này là thu lợi đặc biệt lớn bởi số tiền đánh bạc lên đến 3000 tỷ đồng.
Về trách nhiệm hình sự
Như đã phân tích, việc xác định trách nhiệm hình sự của các đối tượng tham gia vào đường dây cá độ bóng đá nêu trên trước hết cần phải khoanh vùng xác định được những đối tượng đã tham gia thì mới có thể xử lý về hành vi của họ. Đây là vụ án có thể chứ đựng phạm vi đối tượng cực kỳ lớn chứ không chỉ đơn thuần là 12 đối tượng đã bị bắt khẩn cấp như thông tin ban đầu cơ quan điều tra cung cấp.
Xác định được đúng đối tượng thực hiện hành vi mới có cơ sở đánh giá hành vi, mức độ và số tiền thực tế của các đối tượng đã tham gia để xử lý. Điểm b khoản 4 Điều 1 Nghị quyết số 01/2010/NQ – HĐTP Hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 248 quy định: “…Trường hợp đánh bạc dưới hình thức chơi số đề, cá độ bóng đá, cá độ đua ngựa… thì một lần chơi số đề, một lần cá độ bóng đá, một lần cá độ đua ngựa… (để tính là một lần đánh bạc) được hiểu là tham gia chơi trong một lô đề, tham gia cá độ trong một trận bóng đá, tham gia cá độ trong một kỳ đua ngựa… trong đó người chơi có thể chơi làm nhiều đợt. Trách nhiệm hình sự được xác định đối với người chơi một lần đánh bạc trong các trường hợp này là tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng để chơi trong các đợt đó.” Như vậy sẽ phải xác định đối tượng tham gia đã chơi bao nhiêu lần? Tổng số tiền cho mỗi lần chơi là bao nhiêu tiền để xác định trách nhiệm hình sự. Lưu ý là tổng số tiền cho mỗi đợt chơi chứ không phải là tổng số tiền của toàn bộ quá trình tham gia từ ban đầu đến khi dừng chơi hoặc đến khi bị phát hiện. Cần tách bạch vấn đề này để tránh trường hợp xác định sai về giá trị tiền dùng để cá độ.
Khi xác định trách nhiệm hình sự đối với người đánh bạc không được tính tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng để đánh bạc của tất cả các lần đánh bạc, mà phải căn cứ vào từng lần đánh bạc để xem xét; cụ thể như sau: Khoản 2 Nghị quyết 01/2010/NQ-HĐTP cũng hướng dẫn rõ:
– Trường hợp tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của từng lần đánh bạc đều dưới mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự và không thuộc một trong các trường hợp khác để truy cứu trách nhiệm hình sự (thì người đánh bạc không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc;
- Trường hợp tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của lần đánh bạc nào bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự thì người đánh bạc phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc đối với lần đánh bạc đó;
- Trường hợp đánh bạc từ năm lần trở lên mà tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của từng lần đánh bạc bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự và lấy tiền, hiện vật do đánh bạc mà có làm nguồn sống chính thì người đánh bạc phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc với tình tiết định khung “có tính chất chuyên nghiệp”.
Mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội đánh bạc theo quy định tại điều 248 BLHS 1999 hiện hành là 2.000.000 đồng. Tuy nhiên tại điều 321 BLHS 2015 có hiệu lực kể từ thời điểm 01/07/2016 thì mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội đánh bạc được nâng lên thành 5.000.000 đồng. Đặc biệt còn có tình tiết tăng nặng: “Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;”
Với người tổ chức đánh bạc theo quy định tại điều 249 BLHS 1999 thì thu lợi bất chính đặc biệt lớn được xác định là trên 90.000.000 đồng. Còn với quy định tại điều 322 BLHS 2015 thì thu lợi trên 50.000.000 đồng đã xác định tăng nặng xử lý theo khoản 2 BLHS với mức hình phạt cao nhất lên đến 10 năm tù.
Thời điểm các đối tượng được xét xử chắc chắn diễn ra sau ngày 01/07/2016 nên sẽ áp dụng BLHS 2015 để xét xử. Nên hình phạt căn cứ vào điều 321 và 322 BLHS để áp dụng. Tương ứng như sau:
Phạm tội đánh bạc theo khoản 1 điều 321 BLHS thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Trường hợp này sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
Tổ chức đánh bạc thu lợi bất chính trên 50.000.000 đồng thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
Thư Viện Pháp Luật