Người tạm trú có được đăng ký xe ở TP.HCM?
Theo quy định tại Điều 3 Thông tư 15/2014 của Bộ Công An về quy định đăng ký xe thì Cơ quan đăng ký xe bao gồm:
“2. Phòng Cảnh sát giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây viết gọn là Phòng Cảnh sát giao thông) đăng ký, cấp biển số các loại xe sau đây (trừ các loại xe của cơ quan, tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1 Điều này):
b) Xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe có kết cấu tương tự xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện của cơ quan, tổ chức, cá nhân người nước ngoài, của dự án, tổ chức kinh tế liên doanh với nước ngoài tại địa phương và tổ chức, cá nhân có trụ sở hoặc cư trú tại quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi Phòng Cảnh sát giao thông đặt trụ sở.
3. Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây viết gọn là Công an cấp huyện) đăng ký, cấp biển số xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện và các loại xe có kết cấu tương tự xe nêu trên của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước có trụ sở hoặc cư trú tại địa phương mình (trừ các loại xe của cơ quan, tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này).”
Như vậy, đối với trường hợp của bạn là mong muốn được đăng ký xe mô tô tại Thành phố trực thuộc trung ương.
Tuy nhiên theo quy định tại điểm b khoản 2 điều 3 Thông tư này, đối với trường hợp xe mô tô của cá nhân trong nước, Phòng Cảnh sát giao thông, Phòng cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt của Công An thành phố trực thuộc Trung ương (CA TP HCM) chỉ có trách nhiệm đăng ký xe cho người có cư trú tại địa phương mình.
Theo khoản 1 điều 12 Luật cư trú: “Nơi cư trú của công dân là chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống. Nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú.”
Bởi Thông tư 15/2014 của Bộ Công An không hướng dẫn cụ thể về nơi cư trú là tạm trú hay thường trú nhưng phần lớn các tỉnh thành hiện nay đều áp dụng quy định nơi cư trú để đăng ký xe mô tô là nơi có hộ khẩu đăng ký thường trú, bởi vậy bạn phải về Kon Tum để đăng ký.
Mới đây, người phát ngôn của công an của Thành phố Hồ Chí Minh đã trả lời người có hộ khẩu ở đâu thì về nơi đó để đăng ký xe.
Thủ tục đăng ký xe được quy định tại mục A chương II Thông tư 15/2014/BCA bao gồm:
1. Giấy khai đăng ký xe. (Điều 8 Thông tư 15/2014/BCA)
Chủ xe có trách nhiệm kê khai đầy đủ các nội dung quy định trong giấy khai đăng ký xe (theo mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư này) ký, ghi rõ họ, tên và đóng dấu (nếu là cơ quan, tổ chức).
2. Giấy tờ của chủ xe. (Điều 9 Thông tư 15/2014/BCA)
Chỉ phải xuất trình một trong các giấy tờ sau: Chứng minh nhân dân, Giấy giới thiệu của thủ trưởng cơ quan, đơn vị công tác; Thẻ học viên, sinh viên học theo hệ tập trung từ 2 năm trở lên của các trường trung cấp, cao đẳng, đại học, học viện; giấy giới thiệu của nhà trường.
3. Giấy tờ của xe. (Điều 10 Thông tư 15/2014/BCA).
4. Chứng từ lệ phí trước bạ xe (Điều 10 Thông tư 15/2014/BCA)
Thư Viện Pháp Luật