Đơn phương chấm dứt hợp đồng và phạt vi phạm?
- Căn cứ Điều 426 Bộ luật Dân sự năm 2005 có quy định về "Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng dân sự" như sau: 1. Một bên có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng nếu các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định; 2. Bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc chấm dứt hợp đồng, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường; 3. Khi hợp đồng bị đơn phương chấm dứt thực hiện thì hợp đồng chấm dứt từ thời điểm bên kia nhận được thông báo chấm dứt. Các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ. Bên đã thực hiện nghĩa vụ có quyền yêu cầu bên kia thanh toán; 4. Bên có lỗi trong việc hợp đồng bị đơn phương chấm dứt phải bồi thường thiệt hại.
Như vậy, nếu xảy ra sự kiện chủ đầu tư vi phạm nghĩa vụ bàn giao căn hộ theo tiến độ cam kết (mà không có lý do chính đáng hoặc không thỏa thuận với bên mua về việc gia hạn thời gian bàn giao nhà), thì bên mua có thể căn cứ quy định pháp luật và điều khoản thỏa thuận tại hợp đồng đã ký để đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng sau khi thực hiện thủ tục thông báo cho bên kia biết về việc chấm dứt hợp đồng. Trường hợp này, bên mua nhà đã thực hiện nghĩa vụ nộp tiền theo tiến độ thì có thể yêu cầu chủ đầu tư hoàn trả lại khoản tiền đã nộp do việc chấm dứt thực hiện hợp đồng.
Theo Điều 422 Bộ luật Dân sự 2005 quy định về "Thực hiện hợp đồng có thỏa thuận phạt vi phạm" như sau: 1. Phạt vi phạm là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm có nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm; 2. Mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận; 3. Các bên có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải nộp tiền phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại, hoặc vừa phải nộp phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại; nếu không có thỏa thuận trước về mức bồi thường thiệt hại thì phải bồi thường toàn bộ thiệt hại. Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận về bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải nộp tiền phạt vi phạm.
Thư Viện Pháp Luật