Thai nhi được hưởng di sản thừa kế
Con bạn đã thành thai trước thời điểm chồng bạn và bố chồng bạn chết nên có thể được hưởng di sản thừa kế, nếu bé được sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế. Theo quy định tại Điều 635 Bộ luật Dân sự 2005, người thừa kế phải là cá nhân còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết... Theo thư của bạn, con bạn đã thành thai trước thời điểm chồng bạn và bố chồng bạn chết, nên con bạn có thể được hưởng di sản sản thừa kế nếu thai nhi sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế. Theo quy định tại Điều 23, Nghị định số 158/2005/NĐ-CP của Chính phủ ngày 27/12/2005 về đăng ký và quản lý hộ tịch, trẻ em sinh ra sống được 24 giờ trở lên rồi mới chết cũng phải đăng ký khai sinh và đăng ký khai tử... Như vậy, nếu thai nhi sinh ra và còn sống trên 24 giờ được coi là sinh ra và còn sống, và được hưởng di sản thừa kế. Nếu con bạn sinh ra và còn sống, việc chia di sản thừa kế cho con bạn sẽ được xác định như sau: Trường hợp chồng bạn chết có để lại di chúc: Nếu chồng bạn chết có để lại di chúc và di chúc để lại là hợp pháp, có cho con bạn được hưởng thừa kế thì phần của con bạn sẽ căn cứ nội dung di chúc. Tuy nhiên, nếu chồng bạn có di chúc nhưng không cho con bạn hưởng di sản hoặc cho hưởng phần di sản nhỏ hơn 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật, con bạn vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật (Điều 669 Bộ luật dân sự 2005: Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc). Pháp luật quy định con chưa thành niên được hưởng di sản của người cha để lại không phụ thuộc vào nội dung của di chúc là nhằm bảo vệ quyền lợi của người con, đồng thời buộc người cha phải thực hiện bổn phận, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ. Bổn phận ấy không chỉ được thực hiện khi người cha còn sống, mà ngay cả khi họ chết đi thì bổn phận ấy vẫn tiếp tục được thực hiện bằng việc người để lại di sản phải để lại một phần di sản của mình cho con chưa thành niên. Nếu những người này vì một lý do nào đó không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ bổn phận của mình, pháp luật sẽ ấn định cho người con chưa thành niên luôn được hưởng một phần di sản từ khối di sản của người đó để lại. Đó chính là phần di sản không phụ thuộc vào nội dung di chúc mà con chưa thành niên được hưởng theo quy định tại điều 669. Trường hợp chồng bạn chết không để lại di chúc Theo quy định tại khoản 1, Điều 685 Bộ luật dân sự 2005, khi phân chia di sản nếu có người thừa kế cùng hàng đã thành thai nhưng chưa sinh ra phải dành lại một phần di sản bằng phần mà người thừa kế khác được hưởng, để nếu người thừa kế đó còn sống khi sinh ra, được hưởng… Theo quy định này, nếu chồng bạn chết mà không để lại di chúc hay di chúc không hợp pháp, phần di sản mà con bạn được hưởng sẽ bằng phần của người thừa kế cùng hàng. Trong trường hợp cụ thể của bạn, hàng thừa kế thứ nhất của chồng bạn gồm: bố chồng, mẹ chồng (nếu còn sống), bạn và con bạn. Trong trường hợp sinh đôi, sinh ba mà những người sinh ra còn sống, tùy trường hợp di sản thừa kế đã chia đó có thể đem ra chia lại để đảm bảo quyền lợi cho những người thừa kế. Đối với phần di sản do bố chồng bạn chết để lại Nếu bố chồng bạn chết có để lại di chúc hợp pháp, có giành một phần di sản cho con bạn, con bạn được hưởng phần di sản đó theo di chúc. Nếu bố chồng bạn chết không để lại di chúc, hoặc di chúc không hợp pháp, hoặc có di chúc nhưng trong di chúc này có một phần di sản chưa được định đoạt thì di sản bố chồng bạn để lại được phân chia theo pháp luật. Trong trường hợp này, con bạn sẽ được hưởng phần di sản thừa kế mà đáng lẽ chồng bạn được hưởng nếu còn sống (thừa kế thế vị). Theo quy định tại Điều 677, trong trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống.
Thư Viện Pháp Luật