Các con có quyền hủy di chúc của cha mẹ?
1.Quyền lập của người lập di chúc? Theo Điều 648 BLDS 2005, thì người lập di chúc có quyền có các quyền sau: (i) – Chỉ định người thừa kế; trất quyền hưởng di sản của người thừa kế; (ii) – Phân định phần di sản cho từng người thừa kế; (iii) - Dành một phần trong khối di sản để di tặng, thờ cúng; (iv) – Giao nghĩa vụ cho người thừa kế; (v) - Chỉ định người giữ di chúc, quản lý di sản, phân chia di sản. Và: “Vợ chồng có thể lập di chúc chung để định đoạt tài sản chung” (Điều 633 – BLDS 2005) Theo trình của bạn thì cha mẹ bạn đã lập di chúc để định đoạt, chia di sản thừa kế cho các con. Đây là quyền của cha, mẹ bạn nên những người thừa kế phải tôn trọng. Việc bạn cho rằng: “nội dung di chúc có nhiều điều không hợp lý” đó mới là ý kiến chủ quan của bạn. Vì “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết” (Điều 646 – BLDS 2005) Nếu muốn hủy di chúc bạn phải chứng minh di chúc mà cha, mẹ bạn đã lập thiếu một trong các điều kiện để một di chúc được coi là “hợp pháp” như sau: Một di chúc được coi là hợp pháp khi thỏa mãn các điều kiện sau: (i) – Người lập di chúc, minh mẫn sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa, hoặc cường ép; (ii) - Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái pháp luật ( Khoản 1 - Điều 652 BLDS 2005) Nếu các bạn không chứng minh được “nhiều điều không hợp lý” trong nội dung di chúc vi phạm các điều kiện trên và nội dung di chúc đã rõ ràng thì các bạn có nghĩa vụ tôn trọng và thực hiện theo cách chia di sản cho các con của cha, mẹ bạn khi lập di chúc. Trường hợp “nhiều điều không hợp lý” đó dẫn đến các hiểu khác nhau về nội dung di chúc và những người thừa kế theo di chúc đều không nhất trí về cách hiểu nội dung di chúc thì coi như không có di chúc và việc chia di sản được áp dụng theo quy định về thừa kế theo pháp luật BLDS 2005: Điều 673 – Giải thích di chúc: “Trong trường hợp nội dung di chúc không rõ ràng dẫn đến nhiều cách hiều khác nhau, thì người công bố di chúc và những người thừa kế phải cùng nhau giải thích nội dung di chúc dựa trên ý nguyện đích thực trước đây của người chết, có xem xét đến mối quan hệ của người chết với người thừa kế theo di chúc. Khi những người này không nhất trí về cách hiểu nội dung di chúc, thì con như không có di chúc và di sản được thừa kế theo pháp luật. Trong trường hợp có một phần nội dung di chúc không giải thích được nhưng không ảnh hưởng đến các phần còn lại của nội dung di chúc, thì chỉ phần không giải thích được không có hiệu lực”. 2.Những người thừa kế theo di chúc có quyền thỏa thuận phân chia khác di chúc được không? Theo quy định tại Điều 684 BLDS 2005 thì: 1.Việc phân chia di sản được thực hiện theo ý chí của người để lại di chúc; nếu di chúc không xác định rõ phần của từng người thừa kế, thì phần di sản được chia đều cho những người được chỉ định trong di chúc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. 2.Trong trường hợp di chúc xác định phân chia di sản theo hiện vật, thì người thừa kế được nhận hiện vật kèm theo hoa lợi, lợi tức thu được từ hiện vật đó hoặc phải chịu phần giá trị của hiện vật bị giảm sút tính đến thời điểm phân chia di sản; nếu hiện vật bị tiêu hủy do lỗi của người khác, thì người thừa kế có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại. 3.Trong trường hợp di chúc chỉ xác định phân chia di sản theo tỷ lệ đối với tổng giá trị khối di sản, thì tỷ lệ này được tính trên giá trị khối di sản đang còn vào thời điểm phân chia di sản”. Ngoài ra, pháp luật về thừa kế còn quy định về người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc (Điều 669) và việc từ chối hưởng di sản của người thừa kế (Điều 642), nên các bạn có thể áp dụng các quy định của pháp luật trên vào trường hợp cụ thể. Như vậy, mặc dù có di chúc nhưng người thừa kế theo di chúc vẫn có thể thỏa thuận phân chia khác với nội dung di chúc nếu tất cả những người này đều nhất trí. Vì bạn không trình bày rõ “nội dung di chúc có nhiều điều không hợp lý” cụ thể là gì nên chúng tôi cung cấp một số thông tin để bạn tham khảo. Bạn nên cung cấp bản di chúc cho luật sư để nhận được tư vấn đầy đủ hơn.
Thư Viện Pháp Luật