Hàng hóa được kinh doanh và trách nhiệm của doanh nghiệp trong bán hàng đa cấp
Theo quy định tại Nghị định số 110/2005/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp (Điều 5, Điều 6, Điều 8 và Điều 12) tất cả hàng hóa đều được kinh doanh theo phương thức bán hàng đa cấp, trừ những trường hợp sau đây: a) Hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa cấm lưu thông, danh mục hàng hóa hạn chế kinh doanh, hàng giả, hàng nhập lậu theo quy định của pháp luật; b) Hàng hóa là thuốc phòng, chữa bệnh cho người; các loại vắc xin, sinh phẩm; trang thiết bị y tế và dụng cụ y tế; các loại thuốc thú y (bao gồm cả thuốc thú y thủy sản), thuốc bảo vệ thực vật; hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế; nguyên liệu làm thuốc chữa bệnh; các loại hóa chất độc hại và sản phẩm có hóa chất độc hại theo quy định của pháp luật. Ngoài các quy định nêu trên, hàng hóa được kinh doanh theo phương thức bán hàng đa cấp phải đáp ứng các điều kiện sau: a) Bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, an toàn, vệ sinh thực phẩm theo quy định của pháp luật; b) Bảo đảm rõ ràng, hợp pháp về nguồn gốc, xuất xứ, tính năng, công dụng của hàng hóa; c) Có nhãn hàng hóa theo đúng quy định của pháp luật.
Doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm bồi thường cho người tiêu dùng hoặc người tham gia bán hàng đa cấp trong các trường hợp sau đây: a) Người tham gia gây thiệt hại cho người tiêu dùng hoặc người tham gia khác khi thực hiện đúng quy chế hoạt động và chương trình bán hàng của doanh nghiệp; b) Người tham gia không được thông tin đầy đủ về hàng hóa theo quy định. Doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm thường xuyên giám sát hoạt động của người tham gia để bảo đảm người tham gia thực hiện đúng quy tắc hoạt động và chương trình bán hàng của doanh nghiệp. Trường hợp không tuân thủ các quy định và gây thiệt hại cho người tiêu dùng hoặc người tham gia khác, người tham gia bán hàng đa cấp có trách nhiệm bồi thường thiệt hại đã gây ra.
Thư Viện Pháp Luật