Hai tội danh với người trốn nợ
Vay tiền là giao dịch dân sự bình thường được pháp luật cho phép, nhưng trong bối cảnh có tác động giao dịch này có thể bị biến tướng, bị bóp méo trở thành vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 73/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự an toàn xã hội, người có hành vi “dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản của người khác nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự” có thể bị phạt tiền từ 1.000.000 đến 2.000.000 đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là “tịch thu tang vật, phương tiện” và phải bồi thường toàn bộ thiệt hại do vi phạm hành chính gây ra. Ngoài biện pháp xử phạt vi phạm hành chính, người vay vốn trả lãi suất cao và bỏ trốn khi không trả được nợ thì tùy từng trường hợp cụ thể có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 139 BLHS (tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản) hoặc điều 140 (tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản). Theo quy định tại điều 139, người có hành vi dùng “thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm” thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng và cao nhất là tù chung thân. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm. Như vậy, để xử lý một người về tội danh này, cần chứng minh được người đó đã có “hành vi gian dối” khi huy động vốn để chiếm đoạt như tạo vỏ bọc là một doanh nghiệp làm ăn phát đạt, có nhiều nhà đất, xe cộ, cửa hàng kinh doanh hoặc dùng "mồi nhử" người gửi tiền dạng như đang có dự án lớn, đang có chỗ đầu tư bất động sản hời… nên cần huy động vốn dù với lãi suất cao… Theo quy định tại Điều 140, người có một trong những hành vi dưới đây nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ 4 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 4 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm: a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó; b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản. Người phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản có thể bị xử phạt cao nhất là tù chung thân và còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 5 năm và bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản hoặc một trong hai hình phạt này.
Thư Viện Pháp Luật