Chế độ thai sản đối với lao động nam giới
- Thông thường, chế độ thai sản chỉ dành cho lao động nữ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, lao động nam giới được hưởng chế độ thai sản. Điều 31 (khoản 3) Luật Bảo hiểm xã hội quy định: "Trường hợp chỉ có cha hoặc mẹ tham gia bảo hiểm xã hội hoặc cả cha và mẹ đều tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ bốn tháng tuổi".
Theo quy định trên, anh trai của bạn Trịnh Mai Trang được hưởng chế độ thai sản (chế độ khi sinh con) vì là người trực tiếp nuôi dưỡng cháu nhỏ mới sinh. Các chế độ là: được nghỉ việc hưởng 100% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội của sáu tháng liền kề trước khi nghỉ việc; thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Thời gian này người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội. Thời gian nghỉ việc như sau: bốn tháng, nếu làm nghề hoặc công việc trong điều kiện lao động bình thường; năm tháng, nếu làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành; làm việc theo chế độ ba ca; làm việc thường xuyên ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên hoặc là nữ quân nhân, nữ công an nhân dân; sáu tháng đối với lao động nữ là người tàn tật theo quy định của pháp luật về người tàn tật. Trường hợp sinh đôi trở lên, ngoài thời gian nghỉ việc quy định trên, tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con được nghỉ thêm ba mươi ngày. Thời gian hưởng chế độ thai sản tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ tết, ngày nghỉ hằng tuần (khoản 1 và khoản 4 Điều 31 Luật BHXH).
Thư Viện Pháp Luật