Ai có quyền ngăn chặn xuất nhập cảnh?
Khoản 2 điều 3 nghị định 136/2007/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 2007 về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam nêu rõ Chưa được xuất cảnh là việc cơ quan, người có thẩm quyền quyết định không cho phép công dân Việt Nam xuất cảnh. Các căn cứ để cơ quan có thẩm quyền ra quyết định chưa cho công dân Việt Nam xuất cảnh và thẩm quyền ra quyết định ở từng trường hợp được quy định tại điều 21, điều 22 luật này. Cụ thể, công dân Việt Nam ở trong nước chưa được xuất cảnh nếu thuộc một trong các trường hợp: đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc có liên quan đến công tác điều tra tội phạm; đang có nghĩa vụ chấp hành bản án hình sự; đang có nghĩa vụ chấp hành bản án dân sự, kinh tế; đang chờ để giải quyết tranh chấp về dân sự, kinh tế…, thẩm quyền ra quyết định này thuộc về cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án hoặc cơ quan thi hành án các cấp quyết định. Và khi có quyết định chưa cho công dân xuất cảnh thì các cơ quan có thẩm quyền nói trên phải gửi văn bản thông báo cho cục quản lý xuất nhập cảnh – bộ công an, nêu rõ các yếu tố nhân thân của người chưa được xuất cảnh và thời hạn chưa cho người đó xuất cảnh để thực hiện. Khi hủy bỏ quyết định đó cũng phải có văn bản thông báo…
Theo đó, phòng quản lý xuất nhập cảnh trả lời yêu cầu của ba bạn như vậy là đúng theo quy định của pháp luật vì bằng yêu cẩu của ba bạn không đủ căn cứ để ngăn chặn một người xuất cảnh. Ba bạn cũng không thể trực tiếp gửi yêu cầu đến cơ quan quản lý xuất nhập cảnh mà cần phải thông qua thủ tục tố tụng.
Hiện tại từ bản cam kết ở công an xã mà ba bạn đang giữ, người vay nợ nói trên đang nợ ba bạn khoản tiền gốc là 720 triệu, quá thời hạn cam kết một tháng người này vẫn chưa thực hiện đúng theo cam kết của mình. Bên cạnh đó, trong khoảng thời gian gần một năm trước đó, người này trốn tránh nghĩ vụ trả nợ cho ba bạn. Đối với hành vi này, ba bạn hoàn toàn có quyền làm đơn khởi kiện vụ án dân sự gửi đến tòa án nhân dân quận/ huyện nơi người này cư trú để yêu cầu trả nợ. Trường hợp ba bạn có đủ căn cứ chứng minh người này đang chuẩn bị xuất cảnh để trốn trách nghĩa vụ trả nợ, thì hành vi này đã có đủ yếu tố cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điểm a khoản 4 điều 140 bộ luật Hình sự với khung hình phạt từ từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân. Theo đó để ngăn chặn việc người này xuất cảnh để chiếm đoạt số tiền đã vay của ba bạn, ba bạn có thể gửi đơn tố cáo gửi cơ quan công an, đơn yêu cầu truy tố hình sự gửi đến Viện kiểm sát nhân dân, đơn khởi kiện hình sự gửi đến tòa án nhân dân cấp Huyện nơi người này có hộ khẩu thường trú kèm theo các chứng cứ, tài liệu chứng minh việc vay nợ giữa các bên trong đơn nêu rõ yêu cầu trả nợ và trình bày việc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền có biện pháp ngăn chặn việc xuất cảnh của người này.
Như vậy, tùy theo tình hình thực tế gia đình bạn có thể chọn khởi kiện dân sự hoặc hình sự để yêu cầu bên kia trả nợ. Theo đó, khi có quyết định thụ lý vụ án đối với trường hợp khởi kiện dân sự; hoặc sau khi tiếp nhận đơn tố cáo, cơ quan công an tiến hành công tác điều tra tội phạm thì nếu có căn cứ và để phục vụ cho việc điều tra, truy tố, xét xử, trong thời gian chờ giải quyết tranh chấp… cơ quan tố tụng ở từng giai đoạn sẽ có quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn phù hợp đối với người này (tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú…). Tuy nhiên về nguyên tắc, trong các quá trình tố tụng, người này phải có mặt khi có giấy triệu tập, điều này cũng phù hợp với các trường hợp công dân Việt Nam chưa được xuất cảnh đã được đề cập đến ở trên. Do vậy, trong trường hợp này gia đình bạn nên nhanh chóng tiến hành các thủ tục theo trình tự đã hướng dẫn ở trên để bảo vệ quyền lợi của mình.
Thư Viện Pháp Luật