Cố tình sử dụng chứng minh thư cũ sẽ bị phạt tiền
Theo quy định tại Nghị định số 05/1999/NĐ-CP ngày 3/02/1999 và Nghị định số 170/2007/NĐ-CP ngày 19/11/2007 của Chính phủ quy định về chứng minh nhân dân (CMND) thì mỗi công dân chỉ được cấp một CMND và có một số CMND riêng. Giấy CMND có giá trị sử dụng 15 năm kể từ ngày cấp. Khi công dân thay đổi nơi đăng ký hộ khẩu thường trú ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì phải làm thủ tục cấp đổi lại CMND. Công dân có trách nhiệm phải nộp lại CMND cũ cho cơ quan công an có thẩm quyền. Nếu sau khi được cấp CMND mới mà vẫn cố tình sử dụng CMND cũ trong các giao dịch dân sự, kinh tế, thực hiện các thủ tục hành chính (như kê khai nhà đất, đăng ký kết hôn)… là vi phạm pháp luật. Tùy theo mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật. Theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 13 Nghị định 76/2006/NĐ-CP ngày 02/8/2006 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp thì hành vi sử dụng CMND cũ để làm thủ tục đăng ký kết hôn được coi là hành vi gian dối và bị xử phạt hành chính. Số tiền phạt là từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng tùy tính chất, mức độ vi phạm. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi này là một năm, kể từ ngày vi phạm hành chính được thực hiện. Nếu quá thời hiệu nói trên mà vi phạm hành chính mới bị phát hiện thì không tiến hành xử phạt nhưng vẫn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả. Theo quy định tại khoản 4 Điều 13 Nghị định nói trên, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi gian dối trong việc sử dụng CMND để đăng ký kết hôn là: Tòa án nhân dân có thẩm quyền hủy bỏ Giấy chứng nhận kết hôn đã cấp. Trong quá trình giải quyết, nếu tòa án nhận thấy việc đăng ký kết hôn trước đây chỉ vi phạm về mặt thủ tục (vi phạm về mặt hình thức) mà không vi phạm các điều cấm của pháp luật về đăng ký kết hôn quy định tại Điều 9 và Điều 10 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 như độ tuổi kết hôn, sự tự nguyện... (vi phạm về mặt nội dung) thì tòa án chỉ hủy bỏ Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn chứ không tuyên hủy việc kết hôn trái pháp luật theo quy định tại Điều 16 Luật Hôn nhân và Gia đình. Điều đó có nghĩa, về nguyên tắc, ngày cấp trên Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn mới sẽ ghi theo thời điểm cấp mới, nhưng quan hệ hôn nhân vẫn được thừa nhận theo thời điểm đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn trước đây. Về vấn đề ngày tháng năm sinh trên CMND (hoặc các thông tin khác nói chung như họ tên, dân tộc…) bị sai lệch so với giấy khai sinh thì giải quyết như sau: Theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ quy định về Đăng ký và quản lý hộ tịch thì “Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của mỗi cá nhân. Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung ghi về họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; giới tính, dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với Giấy khai sinh của người đó”. Như vậy, trong trường hợp các thông tin trên CMND có sự sai lệch so với Giấy khai sinh gốc thì công dân có nghĩa vụ làm thủ tục đăng ký cấp lại CMND mới. Khi đăng ký cấp lại, công dân có trách nhiệm xuất trình Giấy khai sinh gốc để cơ quan công an có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Thư Viện Pháp Luật