Luật sư không được kiêm nhiệm công chứng viên
Theo quy định tại Nghị định 02/2008/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng, luật sư muốn được bổ nhiệm công chứng viên để thành lập Văn phòng công chứng (hoặc để hành nghề công chứng tại Văn phòng công chứng đang hoạt động) phải rút tên khỏi danh sách thành viên của Đoàn luật sư và chấm dứt hành nghề luật sư. Việc chấm dứt hành nghề luật sư được thể hiện bằng một trong các giấy tờ sau đây: a) Đối với luật sư hành nghề với tư cách cá nhân, phải có giấy xác nhận đã nộp lại giấy đăng ký hành nghề luật sư cho cơ quan có thẩm quyền đã cấp. b) Đối với luật sư thành lập Văn phòng luật sư hoặc Công ty luật TNHH một thành viên, phải có giấy xác nhận đã nộp lại giấy đăng ký hoạt động Văn phòng luật sư hoặc Công ty luật cho cơ quan có thẩm quyền đã cấp. c) Đối với luật sư là thành viên Công ty luật hợp danh hoặc thành viên sáng lập Công ty luật TNHH hai thành viên trở lên, phải có giấy xác nhận đã rút tên khỏi danh sách thành viên các công ty đó. d) Đối với luật sư là thành viên góp vốn trong Công ty TNHH một thành viên hoặc Công ty luật TNHH hai thành viên trở lên, phải có giấy xác nhận đã chấm dứt tư cách thành viên trong các công ty đó. đ) Đối với luật sư làm việc theo hợp đồng cho tổ chức hành nghề luật sư phải có giấy xác nhận đã chấm dứt hợp đồng làm việc cho tổ chức hành nghề luật sư. Luật sư đã hành nghề từ 3 năm trở lên được miễn đào tạo nghề công chứng và được miễn tập sự hành nghề công chứng. Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm công chứng viên gửi Bộ Tư pháp, ngoài các giấy tờ kể trên, gồm có: a) Đơn đề nghị bổ nhiệm công chứng viên b) Bản sao bằng cử nhân luật hoặc bằng thạc sỹ luật hoặc bằng tiến sỹ luật c) Giấy tờ chứng minh là người được miễn đào tạo nghề công chứng, miễn tập sự hành nghề công chứng d) Giấy tờ chứng minh về thời gian công tác pháp luật đ) Sơ yếu lý lịch e) Giấy chứng nhận sức khoẻ
Thư Viện Pháp Luật