Thế nào là giải trình và yêu cầu giải trình?
Giải trình là việc cơ quan nhà nước cung cấp, giải thích, làm rõ các thông tin về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; Người yêu cầu giải trình là cơ quan, tổ chức, cá nhân có yêu cầu...
Giải trình và yêu cầu phải giải trình là công việc hàng ngày mà các cơ quan nhà nước vẫn đang thực hiện, tuy nhiên không phải ai cũng hiểu được quy định định này.
Theo đó, giải trình là việc cơ quan nhà nước cung cấp, giải thích, làm rõ các thông tin về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao và trách nhiệm của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đó.Ngày 8/8/2013, Chính phủ có ban hành Nghị định số 90/2013/NĐ-CP về trách nhiệm giải trình của cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Người yêu cầu giải trình là cơ quan, tổ chức, cá nhân có yêu cầu cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền giải trình về những nội dung liên quan đến việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.
Người giải trình là người đứng đầu cơ quan nhà nước hoặc người được người đứng đầu cơ quan nhà nước ủy quyền thực hiện việc giải trình.
Cũng theo quy định tại Nghị định 90, người yêu cầu giải trình có quyền: Tự mình hoặc ủy quyền cho người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thực hiện yêu cầu giải trình. Được rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu giải trình. Được nhận văn bản giải trình của cơ quan có trách nhiệm giải trình.
Người yêu cầu giải trình có nghĩa vụ: Thực hiện các trình tự, thủ tục về yêu cầu giải trình theo quy định của Nghị định số 90/2013/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Trình bày rõ ràng, trung thực, có căn cứ về nội dung yêu cầu giải trình. Cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến nội dung yêu cầu giải trình.
Người giải trình có quyền: Yêu cầu người yêu cầu giải trình cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung yêu cầu giải trình. Yêu cầu người yêu cầu giải trình thực hiện đúng trình tự, thủ tục quy định tại Nghị định số 90/2013/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Bổ sung hoặc đính chính các thông tin trong văn bản giải trình nhằm làm rõ, chính xác và đầy đủ hơn các nội dung giải trình.
Người giải trình có quyền từ chối tiếp nhận yêu cầu giải trình nếu không đáp ứng các điều kiện: cá nhân yêu cầu giải trình phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ hoặc thông qua người đại diện hợp pháp; cơ quan, tổ chức yêu cầu giải trình phải thông qua người đại diện hợp pháp. Nội dung yêu cầu giải trình liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân có yêu cầu giải trình. Nội dung yêu cầu giải trình thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý của cơ quan được yêu cầu.
Ngoài các trường hợp trên, khi giải trình trực tiếp, người giải trình có quyền từ chối giải trình trong các trường hợp sau đây: Người yêu cầu giải trình đang trong tình trạng không kiểm soát được hành vi do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích khác; Người được ủy quyền, người đại diện không có giấy tờ hợp pháp theo quy định của pháp luật; Người yêu cầu giải trình có hành vi gây rối trật tự, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người giải trình.
Người giải trình có nghĩa vụ: Tiếp nhận yêu cầu giải trình thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Hướng dẫn người yêu cầu giải trình thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Nghị định số 90/2013/NĐ-CP và các văn bản pháp luật có liên quan. Giải quyết yêu cầu giải trình theo đúng hình thức, trình tự, thủ tục và thời hạn quy định tại Nghị định số 90/2013/NĐ-CP và các văn bản pháp luật có liên quan.
Thư Viện Pháp Luật