Quy định về chấm dứt hợp đồng làm việc
- Theo Khoản 1, Điều 17, Nghị định số 116/2003/NĐ-CP ngày 10-10-2003 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức, quy định khi đến thời điểm hết hạn của hợp đồng làm việc có thời hạn, thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng viên chức căn cứ vào nhu cầu công việc, chỉ tiêu biên chế và nguồn tài chính của đơn vị để ký tiếp hoặc không ký tiếp hợp đồng làm việc. Nghị định của Chính phủ số 121/2006/NĐ-CP ngày 23-10-2006, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 116, tại Điểm c, Khoản 4, Điều 1, có quy định: Hợp đồng làm việc không có thời hạn áp dụng đối với các trường hợp đã có hai lần liên tiếp ký hợp đồng làm việc.
Căn cứ các thông tin mà chị Lan cung cấp và đối chiếu với các quy định nêu trên, đơn vị nơi chị làm việc, nếu tiếp tục sử dụng chị phải ký hợp đồng làm việc không có thời hạn đối với chị, nhưng đã không thực hiện đúng quy định này. Khoản 2, Điều 59, Luật Viên chức có hiệu lực từ ngày 1-1-2012, quy định: Viên chức được tuyển dụng từ ngày 1-7-2003 đến ngày Luật Viên chức có hiệu lực tiếp tục thực hiện hợp đồng làm việc đã ký kết với đơn vị sự nghiệp công lập, có các quyền, nghĩa vụ và được quản lý theo quy định của luật này. Tại Khoản 1, Điều 29, Luật Viên chức có quy định 5 trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập được đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc với viên chức, trong đó không có trường hợp vì lý do giảm biên chế.
Như vậy, việc đơn vị nơi chị làm việc đã có quyết định chấm dứt hợp đồng làm việc đối với chị trái với quy định của pháp luật về viên chức. Chị có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về hợp đồng làm việc. Tranh chấp liên quan đến việc chấm dứt hợp đồng làm việc được giải quyết theo quy định của pháp luật về lao động (Điều 30 Luật Viên chức).
Thư Viện Pháp Luật