Có thể bí mật ly hôn để người thân không phát hiện?
Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn như sau:
"1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn.
2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.
3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi".
Theo Điều 55 quy định về thuận tình ly hôn: “Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì tòa án giải quyết việc ly hôn”.
Đối chiếu các quy định vừa trích dẫn ở trên với trường hợp của bạn, do hai bạn đều tự nguyện ly hôn và không có tranh chấp gì về tài sản, con cái nên có thể làm đơn đề nghị tòa án cấp huyện nơi vợ chồng bạn đang cư trú công nhận thuận tình ly hôn. Tuy nhiên cần lưu ý, mặc dù hai bạn đã thỏa thuận được về tài sản cũng như việc nuôi con nhưng theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình thì nếu con của bạn đủ 7 tuổi trở lên Tòa án vẫn sẽ xem xét nguyện vọng của cháu bé là muốn ở cùng bố hay mẹ để quyết định trao quyền nuôi con cho vợ hoặc chồng.
Theo điều 313: Do việc ly hôn của hai bạn không có yếu tố tranh chấp về tài sản, con cái nên việc giải quyết ly hôn sẽ tiến hành theo thủ tục giải quyết việc dân sự. Tòa án sẽ không mở phiên tòa xét xử mà chỉ mở phiên họp để giải quyết việc ly hôn. Điều 313 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 (sửa đổi, bổ sung 2011) quy định cụ thể như sau:
“1. Toà án phải mở phiên họp công khai để giải quyết việc dân sự.
Sau khi ra quyết định mở phiên họp giải quyết việc dân sự, toà án phải gửi ngay quyết định này và hồ sơ việc dân sự cho Viện kiểm sát cùng cấp để nghiên cứu. Viện kiểm sát phải nghiên cứu trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ. Hết thời hạn này, viện kiểm sát phải trả hồ sơ cho toà án để mở phiên họp giải quyết việc dân sự.
2. Kiểm sát viên viện kiểm sát cùng cấp phải tham dự phiên họp; trường hợp Kiểm sát viên vắng mặt thì phải hoãn phiên họp.
3. Người có đơn yêu cầu hoặc người đại diện hợp pháp của họ phải tham gia phiên họp theo giấy triệu tập của toà án…
4. Người có liên quan hoặc người đại diện hợp pháp của họ được toà án triệu tập tham gia phiên họp. Trong trường hợp cần thiết, toà án có thể triệu tập người làm chứng, người giám định, người phiên dịch tham gia phiên họp. Nếu có người vắng mặt thì toà án quyết định hoãn phiên họp hoặc vẫn tiến hành phiên họp”.
Như vậy, theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, phiên họp giải quyết việc dân sự sẽ được mở công khai, thành phần tham gia phiên họp gồm cơ quan tiến hành tố tụng, người có đơn yêu cầu (là vợ chồng bạn), những người có liên quan. Trong trường hợp cần thiết, toà án có thể triệu tập người làm chứng, người giám định, người phiên dịch. Do đó, trong trường hợp việc giải quyết ly hôn của vợ chồng bạn không cần sự có mặt của người làm chứng, người có liên quan khác thì tòa án chỉ triệu tập vợ chồng bạn. Cũng theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự và các quy định có liên quan khác thì vợ chồng bạn không có nghĩa vụ phải thông báo về việc ly hôn cho bố mẹ, người thân biết.
Thư Viện Pháp Luật