Có phải con đẻ được thừa kế nhiều tài sản hơn con nuôi?
Theo quy định tại Điều 631 Bộ luật dân sự năm 2005: "Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật".
Bên cạnh đó, Điều 632 Bộ luật dân sự quy định: "Mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền để lại tài sản của mình cho người khác và quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật".
Như vậy, bạn có quyền tự do định đoạt tài sản của mình cho người khác. Vì bạn đang có ý định phân chia tài sản cho các con sau khi chết nên để thực hiện ý định này bạn có thể lập di chúc định đoạt tài sản. Nếu bạn đáp ứng các điều kiện khi lập di chúc (tình trạng sức khỏe, di sản, nội dung di chúc, hình thức di chúc...) thì nội dung di chúc sẽ được pháp luật công nhận và di chúc có hiệu lực ngay sau khi bạn qua đời.
Khi định đoạt tài sản bằng di chúc, bạn có thể tự do định đoạt tài sản của mình cho bất kỳ ai, kể cả những người không có quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng. Như vậy, bạn hoàn toàn có quyền phân chia tài sản cho con đẻ và con nuôi ngang bằng nhau và con đẻ không có quyền kiện cáo gì.
Trong trường hợp không lập di chúc để định đoạt tài sản của mình thì sau khi bạn chết, tài sản của bạn sẽ được chia theo pháp luật. Theo quy định tại Điều 676 Bộ luật dân sự năm 2005: "Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết... Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau".
Như vậy, dựa trên nguyên tắc không phân biệt đối xử trong quan hệ hôn nhân và gia đình, pháp luật quy định những người thừa kế cùng hàng thừa kế sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau mà không phân biệt con đẻ, con nuôi. Cho dù bạn không lập di chúc định đoạt tài sản của mình thì con nuôi và con đẻ cũng được hưởng phần di sản thừa kế ngang bằng nhau.
Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý không phải cứ được nhận là "con nuôi" thì được hưởng thừa kế theo pháp luật. Quan hệ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi chỉ được pháp luật thừa nhận nếu đáp ứng được các điều kiện sau:
a) Người được nhận làm con nuôi phải là trẻ em dưới 16 tuổi. Nếu từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phải thuộc trường hợp: được cha dượng, mẹ kế nhận làm con nuôi; được cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi.
Một người chỉ được làm con nuôi của một người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng (Điều 8 Luật Nuôi con nuôi 2010).
b) Người nhận con nuôi phải có đủ các điều kiện sau đây: có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên; có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi; có tư cách đạo đức tốt…(Điều 14 Luật Nuôi con nuôi 2010).
Ngoài ra, khoản 1 Điều 50 Luật nuôi con nuôi còn quy định điều kiện gồm:
- Các bên có đủ điều kiện về nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật tại thời điểm phát sinh quan hệ nuôi con nuôi;
- Đến thời điểm Luật này có hiệu lực, quan hệ cha, mẹ và con vẫn đang tồn tại và cả hai bên còn sống;
- Giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục nhau như cha mẹ và con.
c) Về thủ tục: Tại thời điểm nhận nuôi con nuôi, việc nuôi con nuôi được đăng ký tại UBND xã, phường, thị trấn nơi thường trú của cha mẹ nuôi hoặc con nuôi (Điều 22 Luật nuôi con nuôi 2010);
Như vậy, nếu việc nuôi con nuôi giữa bạn và người con nuôi đã đáp ứng đầy đủ các quy định nêu trên thì quan hệ nuôi đó được pháp luật thừa nhận. Tong trường hợp phải chia thừa kế theo pháp luật, người con nuôi của bạn có quyền hưởng phần di sản thừa kế do bố mẹ nuôi để lại bằng phần di sản thừa kế của con đẻ.
Thư Viện Pháp Luật