Người Việt được chấp nhận hai quốc tịch khi nào
Người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa mất quốc tịch Việt Nam trước ngày Luật quốc tịch có hiệu lực thì được phép có hai quốc tịch.
Theo nguyên tắc quốc tịch quy định tại Điều 4, Luật Quốc tịch năm 2008: Nhà nước CHXHCN Việt Nam công nhận công dân Việt Nam "có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam".
.Bên cạnh nguyên tắc trên, điều 13 cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa mất quốc tịch Việt Nam trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành (ngày 1/7/2009) thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam. Trong thời hạn 5 năm kể từ ngày luật có hiệu lực thì phải đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để giữ quốc tịch. Nếu không có thể bị mất quốc tịch Việt Nam.
Đến ngày 24/6/2014 (trước khi thời hạn 5 năm kết thúc), Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật Quốc tịch cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam trước ngày luật này có hiệu lực thì vẫn còn quốc tịch.
Như vậy, đến thời điểm này, chỉ khi công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam trước ngày Luật này có hiệu lực thì được phép có hai quốc tịch.
Trường hợp của bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường trong chiều 17/7 Hội đồng bầu cử quốc gia với 100% thành viên nhất trí không xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa 14 do bị phát hiện có quốc tịch thứ hai là của Cộng hòa Malta, cho thấy nguyên tắc "một quốc tịch" được áp dụng với mọi công dân, đại biểu Quốc hội cũng không là ngoại lệ.
Là đại biểu Quốc hội, bà Nguyệt Hường còn phải tuân thủ điều 22 Luật Tổ chức Quốc hội với quy định phải “có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật…”.
Hiến pháp Việt Nam quy định công dân phải trung thành với tổ quốc. Tuy nhiên, trường hợp công dân mang nhiều quốc tịch mà giả sử những quốc gia họ mang quốc tịch đang đối lập nhau về lợi ích thì sự trung thành được hiểu thế nào? Đặc biệt với người là đại biểu quốc hội? Chính vì vậy, đại biểu quốc hội của bất kỳ quốc gia nào cũng chỉ có thể mang duy nhất quốc tịch của nước mà họ là đại biểu mà thôi.
Qua sự việc này, chúng ta cũng cần phải xem lại các quy định về thẩm tra, xác minh lý lịch của người được đề cử, ứng cử vào Quốc hội, HĐND các cấp. Phải chăng, do trách nhiệm của cán bộ thẩm tra hay pháp luật còn những lỗ hỗng cần phải hoàn thiện?
Luật Quốc tịch Việt Nam quy định: Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp Luật này có quy định khác.
Người có quốc tịch Việt Nam là công dân Việt Nam.
Quốc tịch Việt Nam thể hiện mối quan hệ gắn bó của cá nhân với Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của công dân Việt Nam đối với Nhà nước và quyền, trách nhiệm của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với công dân Việt Nam.
Thư Viện Pháp Luật