Án lệ là án gì?
Việc áp dụng án lệ trong quá trình giải quyết vụ việc là một bước tiến mới trong quá trình cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước ta. Việc áp dụng án lệ trong xét xử nhằm đảm bảo được sự công bằng và khách quan trong quá trình giải quyết vụ việc. Chính vì vậy, ngày 6/4/2016 Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã công bố 6 án lệ sau khi đã được Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn, thông qua. Đây cũng là những án lệ đầu tiên kể từ trước tới nay và được thừa nhận là nguồn của pháp luật.
Theo quy định tại Điều 1 của Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP ngày 28/10/2015 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì án lệ được hiểu như sau:
Án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Toà án nhân dân tối cao công bố là án lệ để các Toà án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử.
Việc áp dụng án lệ trong xét xử phải thực hiện đúng nguyên tắc được quy định tại Điều 8 của Nghị quyết nêu trên, cụ thể như sau:
- Án lệ được nghiên cứu, áp dụng trong xét xử sau 45 ngày kể từ ngày công bố hoặc được ghi trong quyết định công bố án lệ của Chánh án Toà án nhân dân tối cao.
- Khi xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân phải nghiên cứu, áp dụng án lệ để giải quyết các vụ việc tương tự, bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý giống nhau phải được giải quyết như nhau. Trường hợp áp dụng án lệ thì số bản án, quyết định của Toà án có chứa đựng án lệ, tính chất, tình tiết vụ việc tương tự được nêu trong án lệ và tính chất, tình tiết vụ việc đang được giải quyết, vấn đề pháp lý trong án lệ phải được viện dẫn, phân tích, làm rõ trong bản án, quyết định của Toà án; trường hợp không áp dụng án lệ thì phải phân tích, lập luận, nêu rõ lý do trong bản án, quyết định của Toà án.
Như vậy, khi giải quyết vụ việc, Hội đồng xét xử phải nghiên cứu xem vụ việc mình đang giải quyết và những án lệ đã được công bố có tình tiết, sự kiện, vấn đề pháp lý có tương tự giống nhau hay không để áp dụng án lệ giải quyết vụ việc đó. Trường hợp áp dụng án lệ thì trong bản án, quyết định thẩm phán phải chỉ rõ tính chất, tình tiết vụ việc mình đang giải quyết tương tự với tính chất, tình tiết vụ việc trong án lệ. Nếu không áp dụng thì thẩm phán phải chứng minh tình tiết trong vụ việc đang giải quyết khác với tình tiết trong án lệ. Nếu không chứng minh được mà vẫn không chịu áp dụng án lệ thì bản án sẽ bị hủy.
Nếu vụ việc đang giải quyết giống án lệ nhưng chứng minh được nếu áp dụng án lệ sẽ không đúng do có sự chuyển biến, thay đổi về pháp luật hiện hành thì bản án sẽ không bị hủy và có thể được công nhận là án lệ để thay thế cho án lệ cũ.
Thư Viện Pháp Luật