Chồng đánh đến mức nào mới được tố cáo?
Theo quy định của pháp luật, danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tính mạng của con người được pháp luật bảo vệ. Khi một cá nhân bị xâm hại trái pháp luật thì không chỉ người đó mà bất kỳ ai biết sự việc cũng có quyền tố cáo người có hành vi xâm hại tới cơ quan chức năng. Tùy theo nguyên nhân, tính chất, hậu quả đã gây ra mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Điều 49 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình thì hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng.
Khoản 1 Điều 104 Bộ luật Hình sự về tội Cố ý gây thương tích, người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp được quy định ở khoản này (như dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đọan gây nguy hại cho nhiều người; gây cố tật nhẹ cho nạn nhân; phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người..) thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Đối chiếu với các quy định trên, hành vi bạo hành của chồng bạn là trái pháp luật.
Pháp luật không quy định mức độ thương tích phải đến mức nào thì người bị hại mới có quyền tố cáo. Do vậy, nếu đã được khuyên bảo, giáo dục mà chồng bạn vẫn không sửa chữa thì bạn nên tố cáo đến cơ quan chức năng để xử lý theo quy định đồng thời có biện pháp ngăn chặn, bảo vệ bạn ở mức cần thiết.
Về quyền nuôi con trong trường hợp ly hôn:
Theo quy định tại Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn thì con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
Như vậy, trường hợp bạn đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì bạn sẽ dành được quyền nuôi con. Pháp luật không bắt buộc bạn phải chứng minh người chồng có hành vi bạo hành gia đình khi xem xét, quyết định cho bạn được trực tiếp nuôi con.
Thư Viện Pháp Luật