Chồng cũ không chu cấp nuôi con, đòi cách nào?

Tôi nhận nuôi hai con nhỏ nhưng suốt hai năm qua anh ấy không chu cấp tiền nuôi các bé, dù là khoản tiền không lớn theo phán quyết của tòa. Thu nhập của chồng tôi thấp nên tòa án quyết định mỗi tháng anh ấy chỉ chu cấp nuôi con 5 triệu đồng. Nhưng từ khi chia tay, năm 2014, chồng tôi không hề mua sắm, chăm lo gì cho con, cũng chẳng đưa tiền cho tôi. Xin hỏi, tôi phải làm thế gì để chồng có trách nhiệm gửi tiền cấp dưỡng cho con?

Điều 82 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn như sau:

“1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó”.

Bên cạnh đó, theo Điều 110 Luật này quy định: “Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con”.

Về quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng: Điều 119 Luật hôn nhân và gia đình quy định về người có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng như sau:

“1. Người được cấp dưỡng, cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó.

2. Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó:

a) Người thân thích;

b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;

c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;

d) Hội liên hiệp phụ nữ.

3. Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác khi phát hiện hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức quy định tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều này yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó”.

Theo các quy định vừa trích dẫn ở trên thì theo phán quyết của tòa án, sau khi ly hôn chồng bạn phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con, hơn nữa tòa án giải quyết việc ly hôn của vợ chồng bạn cũng đã quyết định về hình thức cũng như mức cấp dưỡng.

Do đó, trong trường hợp chồng bạn không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng đối với các con thì bạn có thể tự mình hoặc nhờ sự can thiệp của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền như cơ quan thi hành án dân sự (trong việc cưỡng chế người chồng cũ thực hiện nghĩa vụ nuôi con) hoặc ủy ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em hoặc Hội liên hiệp phụ nữ… yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự buộc chồng bạn phải thực hiện nghĩa vụ theo quy định của pháp luật. 

Tuy nhiên cần lưu ý, trong trường hợp chồng bạn lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế nên không thể thực hiện việc cấp dưỡng thì trước khi yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự giải quyết bạn có thể thỏa thuận với chồng về việc thay đổi hình thức cũng như mức cấp dưỡng để chồng bạn có thể thực hiện tốt nhất nghĩa vụ cấp dưỡng cho các con trong khả năng của mình. 

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào