Chế độ phép đối với cán bộ Công an nhân dân
1. Chế độ nghỉ phép đối với cán bộ CAND được hướng dẫn tại Thông tư 07/2004/TT-BCA(X13) ngày 10/6/2004 của Bộ Công an, cụ thể:
- Cán bộ, chiến sỹ (trừ công nhân viên Công an, học viên các trường, chiến sỹ phục vụ có thời hạn có quy định riêng) có đủ thời gian làm việc 12 tháng, được nghỉ hàng năm là 15 ngày làm việc. Số ngày nghỉ hàng năm được tăng thêm theo thâm niên; cứ đủ 05 năm được nghỉ thêm 01 ngày, cụ thể như sau:
Có đủ 05 năm đến dưới 10 năm được nghỉ thêm 01 ngày
Có đủ 10 năm đến dưới 15 năm được nghỉ thêm 02 ngày
Có đủ 15 năm đến dưới 20 năm được nghỉ thêm 03 ngày
Có đủ 20 năm đến dưới 25 năm được nghỉ thêm 04 ngày
Có đủ 25 năm đến dưới 30 năm được nghỉ thêm 05 ngày
Có đủ 30 năm đến dưới 35 năm được nghỉ thêm 06 ngày
Có đủ 35 năm trở lên được nghỉ thêm 07 ngày
Trong 01 năm làm việc, cán bộ, chiến sỹ có tổng thời gian nghỉ (cộng dồn) do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trên 06 tháng hoặc nghỉ ốm đau, nghỉ không hưởng lương trên 03 tháng thì không được thực hiện chế độ nghỉ hàng năm của năm ấy.
2. Về chế độ thanh toán khi “không nghỉ hoặc không nghỉ hết phép”
Được quy định tại Thông tư số 33/2012/TT-BCA ngày 11/6/2012 của Bộ về chế độ thanh toán tiền nghỉ phép hàng năm trong CAND, cụ thể:
- Nếu do yêu cầu công tác, đơn vị không thể bố trí được thời gian cho cán bộ, chiến sỹ nghỉ phép hoặc bố trí không đủ số ngày được nghỉ phép và có quyết định bằng văn bản của Thủ trưởng đơn vị về việc trưng dụng cán bộ, chiến sỹ trong thời gian nghỉ phép thì cán bộ, chiến sỹ được thanh toán tiền bồi dưỡng cho những ngày không nghỉ phép.
- Mức tiền bồi dưỡng cho những ngày không nghỉ phép hàng năm được tính theo công thức:
Tiền bồi dưỡng = (Mức lương cấp bậc hàm, ngạch bậc + Các khoản phụ cấp theo lương)/22 ngày x Số ngày không nghỉ hàng năm
- Trường hợp cán bộ, chiến sỹ đã được đơn vị bố trí, sắp xếp thời gian cho nghỉ phép nhưng không có nhu cầu nghỉ phép hoặc tự nguyện không nghỉ phép thì không được chi trả tiền bồi dưỡng đối với những ngày chưa nghỉ phép hàng năm.
Thư Viện Pháp Luật