Phạt người chụp lén, tung ảnh phản cảm lên Facebook thế nào?
Quyền về hình ảnh là quyền về nhân thân được pháp luật bảo vệ. Cụ thể, Điều 31 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định về quyền của cá nhân đối với hình ảnh như sau:
“Điều 31. Quyền của cá nhân đối với hình ảnh
1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.
2. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ 15 tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng hoặc pháp luật có quy định khác.
3. Nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh”.
Ngoài ra, Điều 38 Bộ luật Dân sự cũng quy định về quyền đối với bí mật đời tư:
Điều 38. Quyền bí mật đời tư
1. Quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.
2. Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp thu thập, công bố thông tin, tư liệu theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Như vậy, việc chụp ảnh, quay phim đối với hình ảnh của người khác thì phải được người đó đồng ý; nếu quay lén, chụp lén là vi phạm quy định của pháp luật, có thể vi phạm về quyền nhân thân đối với hình ảnh và quyền bí mật đời tư.
Nếu hành vi chụp lén, quay lén gây ra thiệt hại về vật chất và tinh thần cho người bị chụp lén, quay lén thì người vi phạm phải chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, hành vi quay lén, chụp lén và phát tán hình ảnh quay lén, chụp lén còn bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nếu sử dụng hình ảnh chụp lén, quay lén mà xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì có thể cấu thành tội Làm nhục người khác theo Điều 121 Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) với hình phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù lên đến 5 năm.
Hành vi chụp lén, quay lén cũng có thể cấu thành tội Xâm phạm bí mật của người khác theo Điều 125 Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) với hình phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù lên đến 2 năm.
Thư Viện Pháp Luật