Ngắt hoa nơi công cộng bị phạt 200.000 đồng?
Mục III Thông tư 20/2005/TT-BXD ngày 20/12/2005 quy định cây xanh đô thị bao gồm: cây xanh sử dụng công cộng là tất cả các loại cây xanh được trồng trên đường phố và ở khu vực sở hữu công cộng (công viên, vườn thú, vườn hoa, vườn dạo, thảm cỏ tại dải phân làn, các đài tưởng niệm, quảng trường); cây xanh sử dụng hạn chế là tất cả các loại cây xanh trong các khu ở, các công sở, trường học, đình chùa, bệnh viện, nghĩa trang, công nghiệp, kho tàng, biệt thự, nhà vườn của các tổ chức, cá nhân; cây xanh chuyên dụng là các loại cây trong vườn ươm, cách ly, phòng hộ hoặc phục vụ nghiên cứu.
Theo quy định tại mục IV Thông tư 20/2005/TT-BXD về nguyên tắc chung quản lý cây xanh đô thị:
“1. Tất cả các loại cây xanh đô thị đều được xác định chủ sở hữu, do tổ chức, cá nhân quản lý hoặc được giao quản lý...
4. Các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm quản lý, bảo vệ, chăm sóc cây xanh trước mặt nhà, trong khuôn viên; đồng thời thông báo kịp thời cho các cơ quan chức năng quản lý để giải quyết khi phát hiện cây nguy hiểm và các hành vi gây ảnh hưởng đến sự phát triển của cây xanh đô thị”.
Mục V Thông tư 20 quy định các hành vi xâm hại cây xanh đô thị sau đây sẽ bị cấm:
- Tự ý chặt hạ, đánh chuyển di dời, ngắt hoa, bẻ cành, chặt rễ, cắt ngọn, khoanh vỏ, đốt lửa đặt bếp, đổ rác, chất độc hại, vật liệu xây dựng vào gốc cây.
- Tự ý xây bục bệ bao quanh gốc cây, giăng dây, giăng đèn trang trí, đóng đinh, treo biển quảng cáo trái phép.
Theo quy định vừa trích dẫn ở trên, tất cả các loại cây xanh đô thị đều được xác định chủ sở hữu, do tổ chức, cá nhân quản lý hoặc được giao quản lý. Việc người dân tự ý hái quả, chặt cành, xâm hại cây xanh đô thị là hành vi vi phạm pháp luật, người vi phạm có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng (khoản 1 Điều 49 Nghị định 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013).
Thư Viện Pháp Luật