Thủ tục, trình tự giải quyết tranh chấp lối đi chung
a. Hòa giải cơ sở
Điều 135 Luật đất đai năm 2003 đã quy định rất rõ ràng về hòa giải tranh chấp đất đai, cụ thể như sau:
– Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hoà giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hoà giải ở cơ sở.
– Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hoà giải được thì gửi đơn đến Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp. Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác để hoà giải tranh chấp đất đai.
– Thời hạn hoà giải là ba mươi ngày làm việc, kể từ ngày Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nhận được đơn.
– Kết quả hoà giải tranh chấp đất đai phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên tranh chấp và xác nhận của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất. Trường hợp kết quả hoà giải khác với hiện trạng sử dụng đất thì Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn chuyển kết quả hoà giải đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giải quyết theo quy định về quản lý đất đai.
b. Thủ tục, trình tự giải quyết tranh chấp tại Tòa án
* Thủ tục nộp đơn và hồ sơ khởi kiện:
– Hồ sơ khởi kiện bao gồm: Đơn khởi kiện; Giấy tờ về nguồn gốc đất đai; Chứng cứ liên quan đến khởi kiện.
– Thủ tục nộp đơn và hồ sơ:
+ Người khởi kiện nộp hồ sơ khởi kiện trực tiếp tới Tòa án hoặc gửi qua đường bưu điện.
+ Nộp tiền tạm ứng án phí để Tòa án thụ lý vụ án;
* Hòa giải trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án:
– Trước khi tiến hành phiên hoà giải, Toà án phải thông báo cho các đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự biết về thời gian, địa điểm tiến hành phiên hoà giải, nội dung các vấn đề cần hoà giải.
– Nội dung hòa giải: Khi tiến hành hoà giải, Thẩm phán phổ biến cho các đương sự biết các quy định của pháp luật có liên quan đến việc giải quyết vụ án để các bên liên hệ đến quyền, nghĩa vụ của mình, phân tích hậu quả pháp lý của việc hoà giải thành để họ tự nguyện thoả thuận với nhau về việc giải quyết vụ án.
– Trình tự hòa giải:
+ Khi tiến hành hòa giải, Thư ký Tòa án báo cáo Thẩm phán về sự có mặt, vắng mặt của những người tham gia phiên hòa giải đã được Tòa án thông báo. Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải kiểm tra lại sự có mặt và căn cước của những người tham gia phiên hòa giải.
+ Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải theo nội dung hòa giải.
+ Các đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự trình bày ý kiến của mình về những nội dung tranh chấp và đề xuất những vấn đề cần hòa giải.
+ Thẩm phán xác định những vấn đề các bên đã thống nhất, những vấn đề chưa thống nhất và yêu cầu các bên đương sự trình bày bổ sung những nội dung chưa rõ, chưa thống nhất.
+ Thẩm phán kết luận về những vấn đề các bên đương sự đã hòa giải thành và vấn đề chưa thống nhất.
– Biên bản hòa giải: Việc hoà giải được Thư ký Toà án ghi vào biên bản. Biên bản hoà giải phải có các nội dung chính sau đây:Ngày, tháng, năm tiến hành phiên hoà giải; Địa điểm tiến hành phiên hoà giải;Thành phần tham gia phiên hoà giải; Ý kiến của các đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của các đương sự; Những nội dung đã được các đương sự thoả thuận, không thoả thuận.Biên bản hoà giải phải có đầy đủ chữ ký hoặc điểm chỉ của các đương sự có mặt trong phiên hoà giải, chữ ký của Thư ký Toà án ghi biên bản và của Thẩm phán chủ trì phiên hoà giải.Khi các đương sự thoả thuận được với nhau về vấn đề phải giải quyết trong vụ án dân sự thì Toà án lập biên bản hoà giải thành. Biên bản này được gửi ngay cho các đương sự tham gia hoà giải.
– Hết thời hạn bảy ngày, kể từ ngày lập biên bản hoà giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thoả thuận đó thì Thẩm phán chủ trì phiên hoà giải hoặc một Thẩm phán được Chánh án Toà án phân công ra quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự. Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự, Toà án phải gửi quyết định đó cho các đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp.
* Xét xử sơ thẩm:
– Trong trường hợp các đương sự không hòa giải được với nhau về cách thức giải quyết tranh chấp thì Tòa án quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm.
– Trong thời hạn một tháng kể từ khi ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa xét xử.
– Trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ khi kết thúc phiên tòa; các đương sự, cơ quan, tổ chức khởi kiện được Tòa án cấp trích luc bản án. Trong thời hạn mười ngày kể từ ngày tuyên án, Tòa án phải giao hoặc gửi bản án cho các đương sự, cơ quan, tổ chức khởi kiện và Viện kiểm sát cùng cấp.
– Trong trường hợp một bên tranh chấp không đồng ý với bản án sơ thẩm của Tòa án thì họ có quyền kháng cáo bản án, quyết định sơ thẩm để yêu cầu Tòa án cấp trên trực tiếp giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm. Thời hạn kháng cáo đối với bản án sơ thẩm của Tòa án là mười lăm ngày, kể từ ngày tuyên án.
Thư Viện Pháp Luật