Như thế nào được coi là di chúc hợp pháp?
Theo những gì mà bạn trình bày thì tờ giấy mà bố bạn để lại được xem là di chúc và để lại di chúc định đoạt tài sản của mình là quyền của bố bạn. Để xem xét di chúc của bố bạn để lại có hiệu lực pháp luật hay không cần xét đến nhiều yếu tố. Theo quy định tại khoản 1 Điều 652 Bộ luật dân sự năm 2005 thì di chúc được coi là hợp pháp khi đáp ứng được các điều kiện sau:
- Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ hoặc cưỡng ép;
- Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội;
- Hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật.
Cũng phải nói thêm rằng, bố bạn chỉ có quyền định đoạt phần tài sản của bố bạn thôi và theo quy định tại Điều 634 Bộ luật dân sự năm 2005 thì di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác. Giả định di chúc mà bố bạn để lại đáp ứng điều kiện về năng lực hành vi dân sự và điều kiện về hình thức, nhưng nếu tài sản mà bố bạn định đoạt trong di chúc là tài sản riêng của bố và mẹ bạn thì căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 667, việc định đoạt đối với phần tài sản thuộc sở hữu của mẹ bạn sẽ vô hiệu.
Đối với phần tài sản thuộc sở hữu của mẹ bạn, nếu không có di chúc thì phần di sản đó được phân chia theo quy định của pháp luật.
Về việc bạn và chị gái có được hưởng toàn bộ di sản mà bố mẹ để lại hay không?
Thời điểm mở thừa kế theo quy định tại khoản 1 Điều 633 là là thời điểm người có tài sản chết và thời hạn từ chối nhận di sản là sáu tháng, kể từ ngày mở thừa kế. Sau sáu tháng kể từ ngày mở thừa kế nếu không có từ chối nhận di sản thì được coi là đồng ý nhận thừa kế. Như vậy, kể từ ngày bố mẹ bạn mất đến nay đã hơn 7 năm, tất cả những người thừa kế (nếu không có văn bản từ chối nhận di sản thừa kế) thì được xem như đã đồng ý nhận và vì thế bạn và chị gái không thể hưởng hết tất cả di sản bố mẹ để lại được. Tuy nhiên, những người thừa kế còn lại có thể lập văn bản đồng ý tặng cho toàn bộ phần di sản thừa kế mà họ được hưởng cho bạn và chị gái.
Thư Viện Pháp Luật