Thi hành bản án tại Việt Nam
1. Trình tự thực hiện:
– Cơ quan, tổ chức, cá nhân có yêu cầu gửi đơn và các tài liệu kèm theo gửi Bộ Tư pháp.
– Bộ Tư pháp xem xét đơn và tài liệu kèm theo và yêu cầu người nộp đơn đóng lệ phí theo quy định tại Văn phòng Bộ Tư pháp sau đó chuyển hồ sơ về Toà án nhân dân có thẩm quyền.
– Trong giai đoạn thụ lý hồ sơ: nếu có những điểm chưa rõ cần giải thích, tòa án làm văn bản để đề nghị người gửi đơn, Toà án nước ngoài đã ra bản án đó giải thích thông qua Bộ Tư pháp. Trong thời hạn 7 ngày, Bộ Tư pháp chuyển văn bản đó tới người gửi đơn hoặc toà án nước ngoài văn bản yêu cầu giải thích đó.
– Trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận được văn bản trả lời yêu cầu giải thích, Bộ Tư pháp gửi cho Toà án Việt Nam đã yêu cầu văn bản trả lời đó.
– Trong giai đoạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu, tùy từng trường hợp mà tòa án ra các quyết định:
Đình chỉ việc xét đơn yêu cầu nếu người gửi đơn rút đơn yêu cầu hoặc người phải thi hành đã tự nguyện thi hành hoặc người phải thi hành là cá nhân đã chết mà quyền, nghĩa vụ của người đó không được thừa kế hoặc nếu người phải thi hành là cơ quan, tổ chức đã bị giải thể, phá sản mà quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức đó đã được giải quyết theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Đình chỉ việc xét đơn yêu cầu và trả lại hồ sơ cho Bộ Tư pháp trong trường hợp không đúng thẩm quyền hoặc không xác định được địa chỉ của người phải thi hành hoặc nơi có tài sản liên quan đến việc thi hành.
Mở phiên họp xét đơn yêu cầu: Hội đồng xét đơn yêu cầu có thể ra các quyết định: công nhận và cho thi hành tại Việt Nam hoặc quyết định không công nhận bản án, quyết định dân sự đó.
– Sau khi Toà án đã ra quyết định nói trên, thì Toà án gửi cho các đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp quyết định đó; nếu đương sự ở nước ngoài thì quyết định được gửi thông qua Bộ Tư pháp
– Kháng cáo, kháng nghị
Trong thời hạn mười lăm ngày kể từ ngày Toà án ra các quyết định nói trên, đương sự, người đại diện hợp pháp của họ có quyền kháng cáo quyết định đó; trường hợp đương sự, người đại diện hợp pháp của họ không có mặt tại phiên họp xét đơn yêu cầu thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày họ nhận được quyết định đó. Đơn kháng cáo phải nêu rõ lý do và yêu cầu kháng cáo. Trong trường hợp có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho đương sự, người đại diện hợp pháp của họ không thể kháng cáo trong thời hạn nêu trên thì thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan đó không tính vào thời hạn kháng cáo.
Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kháng nghị các quyết định nói trên của Toà án. Thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp là mười lăm ngày, của Viện kiểm sát nhân dân tối cao là ba mươi ngày, kể từ ngày Toà án ra quyết định.
– Xét kháng cáo, kháng nghị
Toà án nhân dân tối cao xét quyết định của Toà án nhân dân cấp tỉnh bị kháng cáo, kháng nghị trong thời hạn một tháng, kể từ ngày nhận được hồ sơ; trường hợp cần phải yêu cầu giải thích thì thời hạn này được kéo dài, nhưng không quá hai tháng.
Hội đồng có quyền giữ nguyên, sửa một phần hoặc toàn bộ quyết định của Toà án nhân dân cấp tỉnh hoặc đình chỉ việc xét kháng cáo, kháng nghị trong trường hợp đương sự rút kháng cáo, Viện kiểm sát rút kháng nghị hoặc có căn cứ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 354 của Bộ luật Tố tụng dân sự.
– Quyết định của Toà án nhân dân tối cao là quyết định cuối cùng và có hiệu lực thi hành.
2. Cách thức thực hiện: Trực tiếp tại Bộ Tư pháp hoặc qua hệ thống bưu chính
3. Thành phần hồ sơ:
– Đơn yêu cầu công nhận: Đơn phải đảm bảo các nội dung quy định tại Điều 350, khoản 1 của Bộ luật Tố tụng dân sự.
– Bản sao hợp pháp bản án, quyết định của Toà án nước ngoài.
– Văn bản xác nhận bản án, quyết định đó có hiệu lực pháp luật, chưa hết thời hiệu thi hành và cần được thi hành tại Việt Nam trừ trường hợp trong bản án, quyết định đó đã thể hiện rõ những điểm này.
– Văn bản xác nhận việc đã gửi cho người phải thi hành bản sao bản án, quyết định đó. Trường hợp người phải thi hành hoặc người đại diện hợp pháp của người đó vắng mặt tại phiên tòa của Toà án nước ngoài thì phải có văn bản xác nhận người đó đã được triệu tập hợp lệ.
Đơn và các giấy tờ, tài liệu gửi kèm theo đơn yêu cầu bằng tiếng nước ngoài phải được gửi kèm theo bản dịch ra tiếng Việt, được công chứng, chứng thực hợp pháp
Số lượng hồ sơ: Không quy định cụ thể (thực tế là 03 bộ)
4. Thời hạn giải quyết:
– Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu, các giấy tờ, tài liệu kèm theo, Bộ Tư pháp phải chuyển hồ sơ đến Toà án có thẩm quyền theo quy định tại Điều 34 và Điều 35 của Bộ luật Tố tụng dân sự.
– Trường hợp có văn bản do Tòa án Việt Nam yêu cầu người gửi đơn, Toà án nước ngoài đã ra bản án đó giải thích thì Bộ Tư pháp (trong thời hạn 07 ngày) chuyển văn bản đó tới người gửi đơn hoặc toà án nước ngoài văn bản yêu cầu giải thích đó.
– Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản trả lời yêu cầu giải thích, Bộ Tư pháp gửi cho Toà án Việt Nam đã yêu cầu văn bản trả lời đó.
5. Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Cơ quan, tổ chức, cá nhân.
6. Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính: Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp
7. Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Quyết định đình chỉ; Quyết định công nhận và cho thi hành tại Việt Nam hoặc Quyết định không công nhận bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài.
8. Lệ phí (nếu có):
– 2.000.000 đồng đối với cá nhân thường trú tại Việt Nam, cơ quan, tổ chức có trụ sở chính tại Việt Nam .
– 4.000.000 đồng đối với cá nhân không thường trú tại Việt Nam, tổ chức không có trụ sở chính tại Việt Nam.
– 200.000 đồng đối với người kháng cáo quyết định của Tòa án
Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính (nếu có): Không
Thư Viện Pháp Luật