Trách nhiệm của chủ xe khi người mua xe (chưa đăng ký sang tên) gây tai nạn
Theo Khoản 3 Điều 6 Thông tư số 15/2014/TT-BCA ngày 04/4/2014 của Bộ công an quy định về đăng ký xe: “Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày làm chứng từ chuyển quyền sở hữu xe, tổ chức, cá nhân mua, được điều chuyển, cho, tặng xe phải đến cơ quan đăng ký xe làm thủ tục đăng ký sang tên, di chuyển xe”. Theo quy định trên, trong vòng 30 ngày kể từ ngày hợp đồng mua bán xe được công chứng, chị An phải làm thủ tục đăng ký sang tên xe.
Về thời điểm chuyển giao quyền sở hữu: Khoản 2 Điều 168 Bộ luật dân sự quy định: “Việc chuyển quyền sở hữu đối với động sản có hiệu lực kể từ thời điểm động sản được chuyển giao, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Điều 439 Bộ luật dân sự cũng có quy định về thời điểm chuyển quyền sở hữu đối với tài sản mua bán như sau: “Ðối với tài sản mua bán mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì quyền sở hữu được chuyển cho bên mua kể từ thời điểm hoàn thành thủ tục đăng ký quyền sở hữu đối với tài sản đó”.
Do đó, quyền sở hữu chiếc xe máy chỉ được chuyển cho chị An khi chị An hoàn thành thủ tục đăng ký xe theo quy định. Về việc hưởng hoa lợi, lợi tức, chịu rủi ro đối với tài sản được quy định như sau:
- Hưởng hoa lợi, lợi tức: Trong trường hợp tài sản mua bán chưa được chuyển giao mà phát sinh hoa lợi, lợi tức thì hoa lợi, lợi tức thuộc về bên bán (Khoản 3 Điều 439 Bộ luật dân sự).
- Chịu rủi ro (Điều 440 Bộ luật dân sự):
+ Bên bán chịu rủi ro đối với tài sản mua bán cho đến khi tài sản được giao cho bên mua, còn bên mua chịu rủi ro đối với tài sản mua bán kể từ khi nhận tài sản, nếu không có thỏa thuận khác.
+ Ðối với hợp đồng mua bán tài sản mà pháp luật quy định tài sản đó phải đăng ký quyền sở hữu thì bên bán chịu rủi ro cho đến khi hoàn thành thủ tục đăng ký, bên mua chịu rủi ro kể từ thời điểm hoàn thành thủ tục đăng ký, kể cả khi bên mua chưa nhận tài sản, nếu không có thỏa thuận khác.
Về trách nhiệm khi người sử dụng xe gây tai nạn:
Theo quy định tại Điều 202 Bộ luật hình sự về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ: “Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt ...”, pháp luật quy định trách nhiệm của người có hành vi gây tai nạn, chứ không xử lý đối với chủ xe.
Tuy nhiên, nếu tại thời điểm gây tai nạn, đăng ký xe vẫn mang tên anh (chị An chưa chuyển quyền sở hữu theo quy định) thì anh cần lưu ý vấn đề sau đây:
Trong trường hợp người điều khiển xe gây tai nạn mà nguyên nhân xuất phát từ việc xe không đảm bảo chất lượng để lưu hành theo quy định thì bạn có thể có trách nhiệm liên quan. Ðiều 430 Bộ luật dân sự quy định chất lượng của vật mua bán do các bên thỏa thuận nhưng “bên bán có nghĩa vụ cung cấp cho bên mua thông tin cần thiết về tài sản mua bán và hướng dẫn cách sử dụng tài sản đó” (Điều 442 Bộ luật dân sự), và “bên bán phải bảo đảm giá trị sử dụng hoặc các đặc tính của vật mua bán” (Điều 444 Bộ luật dân sự). Trong trường hợp, bạn vi phạm các nghĩa vụ trên, do đó mà chị An không thể biết được việc xe không đảm bảo chất lượng để lưu hành, dẫn đến việc gây tai nạn khi điều kiển xe thì bạn cũng có thể có trách nhiệm liên quan.
Thư Viện Pháp Luật