Các loại hợp đồng thuê tài sản phổ biến
Trên thực tế, hợp đồng thuê tài sản có hai loại hợp đồng phổ biến đó là hợp đồng thuê nhà và hợp đồng thuê khoán tài sản.
Thứ nhất, về hợp đồng thuê nhà bao gồm có hai loại là: Thuê nhà để ở và thuê nhà nhằm mục đích khác. Khi giải quyết tranh chấp hợp đồng thuê nhà cần lưu ý đến yếu tố hình thức của hợp đồng. Trong trường hợp thuê nhà có thời hạn từ 6 tháng trở lên, thì hợp đồng thuê nhà phải được công chứng hoặc chứng thực và đăng ký (Điều 492). Lưu ý trong trường hợp đối tượng của hợp đồng là nhà chung cư nhưng cho thuê làm trụ sở kinh doanh, thì phải tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý chung cư và điều kiện về việc chuyển mục đích từ nhà ở sang mục đích khác. Trong trường hợp bên cho thuê chuyển nhượng quyền sở hữu nhà khi đang cho thuê nhà (đang trong thời hạn cho thuê), thì bên thuê nhà vẫn có quyền thuê nhà theo thời hạn của hợp đồng với những điều khoản đã được thỏa thuận trước đó (khoản 2 Điều 496)
Thứ hai, hợp đồng thuê khoán tài sản: Đối tượng của hợp đồng thuê khoán tài sản có thể là đất đai, rừng, mặt nước chưa khai thác, súc vật, cơ sở sản xuất kinh doanh, tư liệu sản xuất khác cùng trang thiết bị cần thiết để khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức (Điều 502). Các bên trong hợp đồng chỉ được thỏa thuận về thời hạn thuê khoán trong chu kỳ sản xuất, kinh doanh phù hợp với tính chất của đối tượng thuê khoán (Điều 503). Tùy từng loại đối tượng, hợp đồng thuê khoán có thể được lập thành văn bản có công chứng hoặc chứng thực, đăng ký hoặc không. Đối với thuê khoán súc vật, trong thời hạn thuê khoán nếu súc vật sinh con thì người thuê khoán được hưởng ½ số súc vật mới sinh và phải chịu một nửa những thiệt hại về súc vật thuê khoán do sự kiện bất khả kháng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác (Điều 509).
Thư Viện Pháp Luật