Người Lào vận chuyển ma túy thuê thì sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật Việt Nam?
Theo quy định tại Điều 5 và Điều 6 của Bộ luật hình sự thì Bộ luật hình sự được áp dụng đối với người nước ngoài trong các trường hợp:
Thứ nhất, hành vi phạm tội của người nước ngoài được thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Thứ hai, người nước ngoài phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật hình sự Việt Nam trong những trường hợp được quy định trong các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia.
Đối chiếu với các thông tin mà bạn cung cấp thì do hành vi vận chuyển ma túy diễn ra trên lãnh thổ Việt Nam, cho nên nếu đáp ứng đủ các dấu hiệu quy định tại Điều 194 của Bộ luật hình sự thì người đó sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vận chuyển trái phép chất ma túy.
Theo quy định tại điểm 3.2 Phần II của Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 14 tháng 12 năm 2007 của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật Hình sự năm 1999 thì “Vận chuyển trái phép chất ma túy” là hành vi chuyển dịch bất hợp pháp chất ma túy từ nơi này đến nơi khác dưới bất kỳ hình thức nào (có thể bằng các phương tiện khác nhau như ô tô, tàu bay, tàu thủy…; trên các tuyến đường khác nhau như đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy, đường bưu điện…; có thể để trong người như cho vào túi áo, túi quần, nuốt vào trong bụng, để trong hành lý như vali, túi xách v.v…) mà không nhằm mục đích mua bán, tàng trữ hay sản xuất trái phép chất ma túy khác. Người giữ hộ, hoặc vận chuyển trái phép chất ma túy cho người khác, mà biết rõ mục đích mua bán trái phép chất ma túy của người đó, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trái phép chất ma túy với vai trò đồng phạm.
Do vậy, với trường hợp mà bạn nêu thì:
- Nếu người vận chuyển ma túy cho người khác mà không biết rõ mục đích mua bán trái phép chất ma túy của người đó thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm về tội vận chuyển trái phép chất ma túy, nếu trọng lượng của chất ma túy trên mức quy định tại điểm 3.6 Phần II của Thông tư số 17, cụ thể là trọng lượng từ 01 gam trở lên đối với nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca; từ 0,1 gam trở lên đối với hêrôin hoặc côcain; từ 1 kilogam trở lên đối với lá, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca; từ 5 kilogam trở lên đối với quả thuốc phiện khô; từ 1 kilogam trở lên đối với quả thuốc phiện tươi; từ 1 gam trở lên đối với các chất ma túy khác ở thể rắn; từ 10 mililit trở lên đối với các chất ma túy khác ở thể lỏng.
- Nếu người vận chuyển biết rõ mục đích mua bán trái phép chất ma túy của người thuê vận chuyển thì người vận chuyển sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trái phép chất ma túy mà không phụ thuộc vào trọng lượng của chất ma túy.
Về hình phạt dành cho tội vận chuyển trái phép chất ma túy, nếu phạm tội thuộc quy định tại khoản 1 Điều 194 thì sẽ bị bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. Nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 194 thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm. Nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 194 thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm. Nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 194 thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Thư Viện Pháp Luật