Chuyển quyền sở hữu hàng hóa được quy định như thế nào?
Chuyển quyền sở hữu hàng hóa được quy định như thế nào?
Theo quy định tại khoản 8, Điều 3 Luật Thương mại năm 2005:
Mua bán hàng hóa là hoạt động thương mại, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua và nhận thanh toán; bên mua có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán, nhận hàng và quyền sở hữu hàng hóa theo thỏa thuận.
Chuyển quyền sở hữu đối với hàng hóa của bên bán cho bên mua là việc bên bán chuyển quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt hàng hóa cho bên mua.
Như vậy, sau khi được chuyển quyền sở hữu đối với hàng hóa, bên mua sẽ trở thành người chủ thực sự đối với những hàng hóa đó với đầy đủ các quyền năng của chủ sở hữu như đã nêu.
Với việc xác định quyền sở hữu hàng hóa đã được chuyển giao hay chưa, địa điểm, thời gian chuyển quyền sở hữu có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định tài sản của doanh nghiệp, giải quyết phá sản và đặc biệt là để xác định trách nhiệm về rủi ro đối với hàng hóa.
Về thời điểm chuyển quyền sở hữu hàng hóa, Điều 62 Luật Thương mại năm 2005: quy định:
Trừ trường hợp pháp luật có quy định khác hoặc các bên có thỏa thuận, quyền sở hữu được chuyển từ bên bán sang bên mua kể từ thời điểm hàng hóa được chuyển giao.
Thông thường, khi bên bán chuyển giao hàng hóa cho bên mua trên thực tế, đó cũng là thời điểm phát sinh quyền sở hữu của bên mua đối với hàng hóa đó. Trường hợp pháp luật có quy định khác ở đây có thể nói đến là trường hợp hàng hóa mua bán mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì quyền sở hữu được chuyển cho bên mua kể từ thời điểm hoàn thành thủ tục đăng ký quyền sở hữu đối với hàng hóa đó.
Trường hợp hàng hóa mua bán mà khi giao nhận dịch chuyển được về mặt cơ học như quần áo, giày dép, sách, vở,… thì quyền sở hữu hàng hóa được chuyển giao cho người mua khi người bán hoàn thành nghĩa vụ giao hàng.
Trường hợp hàng hóa mua bán không dịch chuyển cơ học khi giao nhận như nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất đai, việc giao nhận hàng hóa được thực hiện thông qua việc giao nhận chứng từ về hàng hóa như các giấy tờ về quyền sở hữu hàng hóa để chứng minh tình trạng pháp lý của loại hàng hóa đó thì quyền sở hữu được chuyển giao cho người mua khi hoàn tất việc chuyển giao các chứng từ về hàng hóa.
Trường hợp hàng hóa mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu như xe máy, ô tô, máy bay, tàu thủy,… thì quyền sở hữu hàng hóa được chuyển cho bên mua kể từ thởi điểm hoàn thành thủ tục đăng ký quyền sở hữu đối với hàng hóa đó.
Trường hợp hàng hóa không dịch chuyển khi giao nhận đồng thời cũng không có chứng từ về hàng hóa thì quyền sở hữu hàng hóa được coi là đã chuyển giao tại địa điểm và thời gian hợp đồng có hiệu lực.
Chuyển quyền sở hữu hàng hóa được quy định như thế nào? (Hình từ Internet)
Trường hợp hàng hóa được mua theo phương thức mua sau khi sử dụng thử. Đây là hình thức mua bán được áp dụng để tăng độ tin cậy của người mua về chất lượng của hàng hóa. Trong thời hạn dùng thử, hàng hóa vẫn thuộc sở hữu của bên bán.
Mặc dù vẫn là chủ sở hữu hợp pháp đối với hàng hóa, tuy nhiên, quyền sở hữu hàng hóa của bên bán bị hạn chế bởi lẽ bên bán không được bán, tặng cho, cho thuê, trao đổi, thế chấp, cầm cố hàng hóa khi bên mua chưa trả lời.
Trường hợp hàng hóa được mua theo phương thức trả chậm, trả dần thì quyền sở hữu của bên bán đối với hàng hóa đã giao được bảo lưu cho đến khi bên mua trả đủ tiền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Thư Viện Pháp Luật