Mượn xe máy nhưng không trả lại
Hợp đồng mượn tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho mượn giao tài sản cho bên mượn để sử dụng trong một thời hạn mà không phải trả tiền, còn bên mượn phải trả lại tài sản đó khi hết thời hạn mượn hoặc mục đích mượn đã đạt được. Pháp luật không quy định hợp đồng mượn tài sản phải được giao kết bằng một hình thức nhất định, nên hợp đồng mượn tài sản có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Do đó, mặc dù khi cho mượn xe, em trai bạn và bạn không ký kết hợp đồng bằng văn bản nhưng đã có hành vi cho mượn xe nên giữa hai người đã có thỏa thuận về hợp đồng mượn tài sản.
Khi giao kết hợp đồng mượn tài sản, người bạn của em trai bạn có nghĩa vụ quy định tại Điều 514 Bộ luật Dân sự, gồm các nghĩa vụ sau đây:
- Giữ gìn, bảo quản tài sản mượn như tài sản của chính mình, không được tự ý thay đổi tình trạng của tài sản; nếu tài sản bị hư hỏng thông thường thì phải sửa chữa;
- Không được cho người khác mượn lại, nếu không có sự đồng ý của bên cho mượn;
- Trả lại tài sản mượn đúng thời hạn; nếu không có thỏa thuận về thời hạn trả lại tài sản thì bên mượn phải trả lại tài sản ngay sau khi mục đích mượn đã đạt được;
- Bồi thường thiệt hại, nếu làm hư hỏng, mất mát tài sản mượn.
Như vậy, nếu người bạn đó không trả lại xe thì gia đình bạn có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại. Ðiều 260 Bộ luật Dân sự đã quy định: Chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có quyền yêu cầu người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu, quyền chiếm hữu của mình bồi thường thiệt hại.
Điều 161 Bộ luật Tố tụng dân sự cũng có quy định: Cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án tại Toà án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Do vậy, nếu người bạn đó không trả lại chiếc xe đã mượn, bạn có quyền khởi kiện đến tòa án có thẩm quyền để buộc người đó trả lại xe cho mình hoặc bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Thư Viện Pháp Luật