Ngăn chặn hành vi đánh đập người khác
Quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể là một trong những quyền nhân thân của cá nhân được quy định tại Điều 32 Bộ luật dân sự: “Cá nhân có quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể”. Việc con trai bạn bị đánh đập thường xuyên gây ảnh hưởng đến sức khỏe, thân thể của cháu là hành vi không những trái đạo đức xã hội mà còn vi phạm quy định của pháp luật. Hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm e khoản 3 Điều 5 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình (Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:e) Xâm hại hoặc thuê người khác xâm hại đến sức khỏe của người khác;...); thậm chí còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác quy định tại Điều 104 Bộ luật hình sự.
Do cháu mới 11 tuổi, không thể tự bảo vệ được mình nên vợ chồng bạn, với tư cách là người đại diện theo pháp luật của con, là người có quyền chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên (theo khoản 2 Điều 69, Điều 73 Luật hôn nhân và gia đình), vợ chồng bạn có quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con mình.
Trước hết, vợ chồng bạn nên nhắc nhở người thanh niên đã có hành vi đánh đập con mình, yêu cầu người đó chấm dứt hành vi của mình. Nếu người thanh niên đó vẫn tiếp tục hành vi sai trái của mình, vợ chồng bạn có thể nhờ đến sự can thiệp của các tổ chức, chính quyền tại địa phương để nhắc nhở và kịp thời ngăn chặn hành vi trái pháp luật của người thanh niên đó. Nếu sự việc vẫn tiếp tục tái diễn, vợ chồng bạn có thể gửi đơn khởi kiện tới tòa án có thẩm quyền để được giải quyết theo quy định của pháp luật.
Thư Viện Pháp Luật