Tại sao Thẩm tra viên không được ký đóng dấu?
1. Thẩm tra viên được ký vào những văn bản nhất định, như báo cáo Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự về kết quả thẩm tra, thực hiện nhiệm vụ được phân công.v.v. Thẩm tra viên không được đóng dấu, không được sử dụng con dấu của cơ quan thi hành án dân sự vì hiện nay pháp luật không quy định nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm này.
2. Theo quy định tại Điều 26, 27 và Điều 28 Nghị định số 74/2009/NĐ-CP ngày 09/9/2009 của Chính phủ thì Thẩm tra viên thi hành án là công chức, có nhiệm vụ giúp Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự và cơ quan thi hành án trong quân đội thực hiện nhiệm vụ thẩm tra thi hành án và các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.
Thẩm tra viên thi hành án có nhiệm vụ, quyền hạn thực hiện việc thẩm tra, kiểm tra những vụ việc thi hành án đã và đang thi hành; thẩm tra xác minh các vụ việc có đơn thư khiếu nại theo sự chỉ đạo của Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự và cơ quan thi hành án dân sự. Trong trường hợp thẩm tra, kiểm tra mà phát hiện có sai sót phải tham mưu cho cấp có thẩm quyền tạm dừng việc thực hiện quyết định sai sót đó để khắc phục, sửa chữa và chịu trách nhiệm về những kiến nghị của mình. Lập kế hoạch, tổ chức thực hiện hoặc phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để xác minh, kiểm tra và đề xuất biện pháp giải quyết theo nhiệm vụ được phân công. Tham mưu cho Thủ trưởng cơ quan trả lời kháng nghị, kiến nghị của Viện Kiểm sát nhân dân theo thẩm quyền. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Thủ trưởng cơ quan giao.
Thẩm tra viên thi hành án phải gương mẫu trong việc chấp hành pháp luật, không ngừng phấn đấu, rèn luyện, giữ vững tiêu chuẩn Thẩm tra viên thi hành án. Khi tiến hành thẩm tra, kiểm tra, Thẩm tra viên thi hành án phải tuân thủ các quy định của pháp luật, chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Thủ trưởng cơ quan về việc thực hiện nhiệm vụ được giao.
Thẩm tra viên thi hành án không được làm những việc mà pháp luật về cán bộ, công chức và pháp luật liên quan khác quy định không được làm; thông đồng với đối tượng thẩm tra và những người có liên quan trong việc thẩm tra, kiểm tra; thẩm tra, kiểm tra khi không có quyết định phân công của người có thẩm quyền; can thiệp trái pháp luật vào việc thẩm tra, kiểm tra hoặc lợi dụng ảnh hưởng của mình để tác động đến người có trách nhiệm khi có người đó thực hiện nhiệm vụ thẩm tra, kiểm tra; lợi dụng chức vụ, quyền hạn thẩm tra, kiểm tra để thực hiện hành vi trái pháp luật; sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho đối tượng kiểm tra, thẩm tra; bao che cho đối tượng thẩm tra, kiểm tra và những người liên quan; tiết lộ, cung cấp thông tin, tài liệu thẩm tra, kiểm tra cho những người không có trách nhiệm khi chưa có kết luận.
Như vậy, do địa vị pháp lý, tính chất công việc và nhiều yếu tố khác nên pháp luật không quy định Thẩm tra viên được sử dụng con dấu của cơ quan thi hành án dân sự. Mặt khác, pháp luật quy định Thẩm tra viên phải thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm và không được làm những công việc nhất định. Vì thế, Thẩm tra viên cần xác định đúng nhiệm vụ, quyền hạn của mình để thực hiện cho tốt nhiệm vụ; đồng thời cố gắng phấn đấu để được bổ nhiệm vào chức danh, chức vụ được sử dụng con dấu của cơ quan thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp thẩm tra hồ sơ thi hành án của Chấp hành viên đồng thời là Thủ trưởng đơn vị mà phát hiện sai sót, vi phạm thì Thẩm tra viên báo cáo Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự để Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có biện pháp giải quyết.
Thư Viện Pháp Luật