Tại sao tiêu chuẩn bổ nhiệm Trưởng, Phó trưởng cơ quan thi hành án dân sự không có Thẩm tra viên?
Đây là câu hỏi mà việc lý giải tại sao thật sự thấu đáo để ai cũng đồng thuận là không dễ, bởi lẽ về nguyên lý thì pháp luật là những quy tắc xử sự được áp dụng tại thời điểm mà quy định pháp luật đó đang có hiệu lực thi hành. Tiêu chuẩn bổ nhiệm Trưởng, Phó trưởng cơ quan thi hành án dân sự không có Thẩm tra viên thi hành án dân sự (gọi tắt là Thẩm tra viên) mà chỉ quy định là Chấp hành viên bởi một số nội dung sau đây, chứng tôi đưa ra để bạn tham khảo:
1. Thứ nhất, về chức trách, nhiệm vụ:
Chấp hành viên, Thẩm tra viên là hai chức danh tư pháp có những tiêu chuẩn, chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn nhất định do pháp luật quy định.
Hiện nay, theo quy định tại Điều 17 Luật Thi hành án dân sự thì Chấp hành viên là người được Nhà nước giao nhiệm vụ thi hành các bản án, quyết định theo quy định; Chấp hành viên có ba ngạch là Chấp hành viên sơ cấp, Chấp hành viên trung cấp và Chấp hành viên cao cấp; Chấp hành viên do Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm; Chính phủ quy định trình tự, thủ tục thi tuyển, bổ nhiệm Chấp hành viên. Khoản 1 Điều 26 Nghị định số 74/2009/NĐ-CP ngày 09/9/2009 củc Chính phủ quy định Thẩm tra viên thi hành án là công chức, có nhiệm vụ giúp Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự và cơ quan thi hành án trong quân đội thực hiện nhiệm vụ thẩm tra thi hành án và các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật và được Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm Thẩm tra viên thi hành án, Thẩm tra viên chính thi hành án và Thẩm tra viên cao cấp thi hành án.
Như vậy, về chức trách, nhiệm vụ thì Chấp hành viên là người được Nhà nước giao nhiệm vụ thi hành các bản án, quyết định mang tính độc lập; còn Thẩm tra viên là người giúp Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự thực hiện nhiệm vụ nhất định. Tương tự như ngành Tòa án, Thẩm phán thực hiện nhiệm vụ xét xử, Thẩm tra viên ở Tòa án thẩm tra hồ sơ xét xử để giúp người có thẩm quyền kháng nghị (Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao) kháng nghị bản án, quyết định theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.
2. Thứ hai, về mặt lịch sử, ở nước ta:
- Đối với chức danh Chấp hành viên:
Có thể nói Chấp hành viên được xác định là vị trí trung tâm của hoạt động thi hành án dân sự từ nhiều năm. Sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, ngày 10/10/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành Sắc lệnh số 47, với 6 chương, gồm 12 điều, trong đó quy định nguyên tắc: “Cho đến khi ban hành những bộ luật pháp duy nhất cho toàn cõi nước Việt Nam, các luật lệ hiện hành ở Bắc, Trung và Nam vẫn tạm thời giữ nguyên như cũ, nếu những luật lệ ấy không trái với những điều thay đổi ấn định trong sắc lệnh này”, chỉ thi hành khi nào không trái với nền độc lập của nước Việt Nam và chính thể dân chủ cộng hoà. Tại Thông tư số 24-BK ngày 26/4/1949 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp "Về việc thi hành án Hình và án Hộ" quy định cụ thể những nguyên tắc chấp hành, thể thức chấp hành, cách thức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án. Thông tư xác định trách nhiệm thi hành án của Thừa phát lại, Ban Tư pháp xã và nhấn mạnh vai trò của ủy ban nhân dân cấp xã và các cơ quan liên quan trong việc hỗ trợ thi hành án. Ở nước ta giai đoạn này tồn tại dưới hai hình thức là Thừa phát lại và Ban Tư pháp xã.
Ngày 22/5/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 85/SL về "Cải cách bộ máy tư pháp và luật tố tụng". Sắc lệnh có 4 chương với 20 điều. Tại Điều 19 Sắc lệnh quy định "Thẩm phán huyện dưới sự kiểm soát của biện lý có nhiệm vụ đem chấp hành các án Hình về khoản bồi thường hay bồi hoàn và các án Hộ mà chính Tòa án huyện và Tòa án trên đã tuyên. Việc phát mãi bất động sản và phân phối tiền bán được cũng do Tòa án huyện phụ trách. Trong trường hợp có nhiều bất động sản rải rác ở nhiều huyện khác nhau thì Biện lý sẽ chỉ định một Thẩm phán huyện để việc phát mãi đó vừa có lợi cho chủ nợ lẫn người mắc nợ". Theo quy định này, việc thi hành án dân sự do Thừa phát lại và Ban Tư pháp xã thực hiện trước đây được thay thế bằng Thẩm phán huyện dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chánh án.
Trên cơ sở Hiến pháp năm 1959, Luật Tổ chức Toà án nhân dân năm 1960 quy định tại Điều 24: “Tại các Toà án nhân dân địa phương có nhân viên chấp hành án làm nhiệm vụ thi hành những bản án và quyết định dân sự, những khoản xử về bồi thường và tài sản trong các bản án, quyết định hình sự” thì việc thi hành án dân sự do nhân viên chấp hành án thực hiện theo thủ tục do pháp luật quy định. Vị trí, chức năng, nhiệm vụ của nhân viên chấp hành án được xác định rõ trong luật tổ chức Tòa án nhân dân đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc tổ chức và hoạt động thi hành án dân sự.
Ngày 13/10/1972, Chánh án Toà án nhân dân tối cao ra Quyết định số 186/TC về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Chấp hành viên; cùng ngày này, Toà án nhân dân tối cao cũng ban hành Thông tư số 187-TC hướng dẫn thi hành Quyết định số 186-TC nêu trên, tên gọi “Chấp hành viên” được ra đời thay cho “nhân viên chấp hành án” để làm nhiệm vụ thi hành án dân sự. Chấp hành viên được đặt tại Toà án, dưới sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp của Chánh án Toà án. Lúc đó, Nhà nước không tổ chức cơ quan thi hành án dân sự riêng mà chỉ đặt Chấp hành viên tại các Tòa án nhân dân địa phương để thực hiện chuyên trách việc thi hành án dân sự. Chấp hành viên có nhiệm vụ thi hành những bản án, quyết định về dân sự, những khoản xử phạt tiền, tịch thu tài sản, bồi thường, hoàn trả lại tài sản trong các bản án, quyết định hình sự; giúp Chánh án Tòa án nhân dân đôn đốc, kiểm tra công tác thi hành án tại các Tòa án nhân dân cấp dưới. Chấp hành viên thực hiện nhiệm vụ dưới sự chỉ đạo của Chánh án Tòa án nhân dân nơi mình công tác. Trong quá trình thực thi nhiệm vụ, Chấp hành viên có quyền định cho đương sự một thời hạn để thi hành án, áp dụng biện pháp cưỡng chế mà pháp luật cho phép sau khi có sự thỏa thuận của Chánh án nơi Chấp hành viên công tác, yêu cầu lực lượng bảo vệ trật tự trị an giúp sức khi cần thiết, đề nghị Tòa án cấp có thẩm quyền hoãn, tạm đình chỉ thi hành án. Đồng thời, Chấp hành viên có trách nhiệm thi hành đầy đủ và nhanh chóng bản án, quyết định của Tòa án (Điều 4, Điều 5 Quyết định số 186/ TC ngày 13/10/1972). Chấp hành viên Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thi hành những bản án, quyết định có hiệu lực có nhiều khó khăn như: vụ án có liên quan đến bí mật quốc gia, đến công tác ngoại giao; vụ án có nhiều người phải thi hành án ở nhiều địa phương khác nhau; vụ án có nhiều tài sản gửi ở Toà án nhân dân tỉnh, thành phố.
Chức danh Chấp hành viên ra đời từ năm 1972, tiếp đó có tính độc lập cao hơn và tồn tại đến nay để thực hiện nhiệm vụ thi hành án dân sự.
- Đối với chức danh Thẩm tra viên:
Chức danh Thẩm tra viên lần đầu tiên được quy định tại Quyết định số 01/2007/QĐ-BNV ngày 17/1/2007 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành "Tiêu chuẩn ngạch Thẩm tra viên, Thẩm tra viên chính, Thẩm tra viên cao cấp thi hành án dân sự" là công chức có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về lĩnh vực thẩm tra thi hành án dân sự, giúp thủ trưởng cơ quan, trực tiếp thực hiện việc thẩm tra những vụ việc đã và đang thi hành án, thẩm tra xác minh các vụ việc có đơn thư khiếu nại, tố cáo theo sự phân công của thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự và cơ quan thi hành án dân sự.
3. Thứ ba, về quy định hiện hành, khoản 1 Điều 22 Luật Thi hành án dân sự quy định Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải là Chấp hành viên. Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự do Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm, miễn nhiệm; Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan thi hành án trong quân đội do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng bổ nhiệm, miễn nhiệm.
Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự là chức vụ lãnh đạo của cơ quan thi hành án dân sự. Vì vậy, Chấp hành viên là trung tâm của hoạt động thi hành án dân sự thì việc quy định Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải là Chấp hành viên là hoàn tòan cần thiết, có cơ sở khoa học.
Thư Viện Pháp Luật